Thứ Hai, 26-09-2016 | 13:37

HỘI THẢO "ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÍ CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN

Ngày 24/9/2016 Cục nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp cùng Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục – Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. HCM tổ chức hội thảo “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục mầm non theo định hướng đổi mới căn bản và toàn diện”.

Đến dự buổi hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo – Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Lê Van Tiến – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư Phạm Trung ương TP. HCM, các chuyên viên cao cấp của Cục Nhà giáo, đại diện Sở GD&ĐT TP. HCM, Đại diện các trường Đại học Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Đồng Nai, CĐSP Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước…

PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng nhấn mạnh: “Hội lần này nhằm lấy ý kiến đóng góp của đại diện các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận có đào tạo ngành học Giáo dục Mầm non về góp ý cho dự thảo đề án của Cục Nhà giáo trong lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo của Bộ và Chính phủ. Nhằm xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn tình hình và yêu cầu của xã hội đối với ngành giáo dục mầm non. Từ những thuận lợi và khó khăn của các trường trong thực tế sẽ giúp cho Cục nhà giáo có những góc nhìn đa chiều hơn để kịp thời thay đổi đề án trước khi trình Thủ tướng chính phủ”.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM bà Trương Thị Việt Liên – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non phát biểu tại hội thảo

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM bà Trương Thị Việt Liên – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non đánh giá dự thảo Đề án đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng bất cập trong đào tạo và quản lí ngành học Giáo dục mầm non hiện nay. Bà Liên cho biết trong chương trình đào tạo, có những chuyên đề cần thiết thì sinh viên được học rất ít nhưng ngược lại có những chuyên đề không cần thiết thì lại học nhiều hơn. Thực tế, nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do thiếu thực tiễn trong quá trình thực hành thực tập. Trong những năm qua, TP.HCM đã xây dựng đề án riêng để đào tạo, bồi dưỡng thêm cho các cán bộ, giáo viên các trường mầm non trên địa bàn thành phố, đồng thời xây dựng cơ chế tiền lương, hỗ trợ cho giáo viên mầm non, nhận được nhiều chuyển biến tích cực.

Đại biểu các trường đại học, cao đẳng phát biểu ý kiến

Đại diện các trường đại học, cao đẳng khác cũng cho rằng, có một số quy định của Bộ nay đã lỗi thời, không còn thích hợp với tình hình hiện tại trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Một số khác cũng thừa nhận, thời gian thực hành thực tập của sinh viên còn ít, chưa giúp sinh viên có được các kỹ năng cần thiết trước khi ra trường. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên vẫn còn chưa thật sự tâm huyết, một số môn học như âm nhạc, mỹ thuật còn thiếu giảng viên chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, không gây được hứng thú cho người học.

Buổi hội thảo đã diễn ra cởi mở, các đại biểu đã thẳng thắn góp ý, chia sẽ kinh nghiệm cũng như thắc mắc, kiến nghị để Bộ và Cục nhà giáo kịp thời xem xét, điều chỉnh.

Phòng CTCT - HSSV