Thứ Hai, 25-05-2015 | 16:33

HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG KHOA HỌC GIÁO DỤC, GIAI ĐOẠN 2015 – 2020”

       Ngày 22/5/2015, Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục giai đoạn 2015 – 2020”.

Toàn cảnh Hội thảo "Định hướng phát triển Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục giai đoạn 2015 – 2020”

      Tham dự hội thảo có Bà Cù Thị Thủy – Đại diện Cục Nhà giáo – Bộ GDDT, Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Sở Giáo dục và Đào Tạo TP. HCM, Bà Trần Thị Phương Ba - Đại diện Hội LHPN TP. HCM, Bà Triệu Duy Trần Đông Thảo - Đại diên Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện các phòng GD, Trường BDGD các quận, huyện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.

       Về phía nhà trường có NGUT.TS. Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), PGS. TS. Lê Văn Tiến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, TS. Phạm Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục (TTBDKHGD) cùng đông đảo quý thầy cô đại diện các khoa, phòng chức năng và giảng viên cùng đến tham dự.

       Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Tiến nhấn mạnh: Hội thảo lần này nhằm nhìn lại quá trình phát triển của TTBDKHGD đồng thời tìm những hướng đi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các đối tượng người học, mở rộng liên kết đào tạo với các đơn vị giáo dục tại các địa phương cũng như góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người tham gia công tác đào tạo.

PGS.TS. Lê Văn Tiến phát biểu khai mạc hội thảo

        TS. Phạm Thu Hương phát biểu ôn lại quá trình hình thành và phát triển của trung tâm BDKHGD giai đoạn 2006 – 2015. Trải qua 9 năm, trung tâm đã mở nhiều lớp, đợt bồi dưỡng chuyên môn và liên kết đào tạo với nhiều trường mầm non, cơ sở giáo dục và các sở đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục và chăm sóc trẻ trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Sự lớn mạnh của TTBDKHGD còn có sự chung tay của đội ngũ giảng viên nhà trường cũng như các giảng viên thỉnh giảng tâm huyết.

TS. Phạm Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Khoa học Giáo dục ôn lại quá trình hình thành và phát triển của trung tâm

       Hội thảo cũng đã tiến hành thảo luận, nghiên cứu xây dựng các chuyên đề đào tạo ngắn hạn, đổi mới việc xây dựng các chuyên đề dựa trên những phản hồi của các Sở, Phòng Giáo dục, sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục với địa phương.

      Bà Cù Thị Thủy – Đại diện Cục Nhà giáo cho rằng: hiện nay cần chú trọng phát triển công tác bồi dưỡng các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình. Đặc biệt là các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, chú trọng vào kỹ năng nghề nghiệp và đào tạo nâng cao. Trong tương lai, TTBDKHGD cũng cần xây dựng các tài liệu điện tử thông qua các modurn, bài giảng E-learning để người học có thể dễ dàng tiếp cận, đồng thời căn cứ vào sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong việc triển khai thực hiện các chương trình của Bộ. Đại diện Cục Nhà giáo cũng đề nghị TTBDKHGD và Bộ nên có những trao đổi thêm về các chuyên đề bồi dưỡng ngắn hạn trong sự hợp tác giữa hai bên.

        Đồng quan điểm với đại diện của Bộ, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT TP. HCM cho biết thêm, hiện này trên địa bàn thành phố, ngoài hệ thống các trường công lập thì Thành phố còn có 531 trường tư thục, hơn 1500 nhóm trẻ tư nhân trong khi còn chưa kể các nhóm trẻ gia đình khác nên nhu cầu gửi trẻ rất cao, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của giáo viên tại các lớp này chưa đạt yêu cầu, thậm chí chỉ nuôi dạy trẻ bằng kinh nghiệm. Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên cho các cơ sở này, TTBDKHGD cần tiếp tục duy trì đào tạo các chuyên đề bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ... Tuy nhiên, cần điều chỉnh một số nội dung trong chương trình đào tạo theo hướng bớt lý thuyết, thời gian ngắn, tập trung vào nội dung trọng tâm. Riêng đối với các nhóm trẻ gia đình có thể tổ chức các chuyên đề trong 1 hoặc 2 buổi tập huấn, chủ yếu tập trung vào đúng kỹ năng cần thiết cho trẻ, an toàn cơ sở vật chất....

Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Sở Giáo dục và Đào Tạo TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

      Trên cơ sở thực tiễn, Bà Chung Bích Phượng – Phó Trưởng phòng Giáo dục Quận Tân Phú đề xuất trong giai đoạn 2015 – 2020, TTBDKHGD cần xây dựng các chuyên đề ngắn hạn dành cho các đối tượng là người quản lý trường mầm non, trong các chuyên đề này cần bám sát thực tiễn tại các trường, nâng cao cho người học những kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống thường xuyên xảy ra tại trường mầm non. Bổ sung cho đề xuất này, bà Kim Khanh – Giảng viên thỉnh giảng của TTBDKHGD đề xuất thêm rằng: cần đưa ra cách tiếp cận, phân loại, quy trình giải quyết, cơ sở phương pháp luận sáng tạo để đưa ra quyết định.

       Tham gia góp ý cho định hướng chương trình trong giai đoạn 2015 - 2020, nhiều đại biểu cho rằng cần xây dựng thêm các chuyên đề như: xây dựng kịch bản và tổ chức sự kiện lễ hội trong trường MN; xây dựng hình ảnh của người giáo viên mầm non, tổ chức bữa ăn cho trẻ... Các đại biểu cũng đánh giá cao các chuyên đề mà TTBDKHGD đã tổ chức, đào tạo tại các cơ sở liên kết, giúp cho người học tự tin hơn trong công việc.

        NGƯT.TS. Đặng Lộc Thọ cho biết thêm: hiện nay có 3 nhóm đối tượng đang cần được bồi dưỡng: Nhóm 1 là những người đang làm viêc chăm sóc trẻ nhưng chủ yếu là bằng kinh nghiệm chứ chưa qua đào tạo trong lĩnh vực giáo dục mầm non;  Nhóm 2 là những người giáo viên mầm non đã được đào tạo bài bản, cần được bồi dưỡng thường xuyên theo hai hướng:  đào tạo kỹ năng cho giáo viên đứng lớp, đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ; đào tạo kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ quản lý; Nhóm 3 là giảng viên các Trường Cao đẳng Sư phạm địa phương. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng theo hướng thực tiễn gắn với lý thuyết. TS. Đặng Lộc Thọ cũng đề xuất các Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cần có sự giao lưu giảng dạy, đồng thời tạo điều kiện cho các giáo viên mầm non tham gia các buổi hội thảo.

        Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Tiến cho rằng trong giai đoạn tới việc thay đổi các nội dung chuyên đề sát với thực tiễn là một yêu cầu hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển của TTBDKHGD. Trong việc xây dựng các chuyên đề mới, TTBDKHGD cần có sự thăm dò, lấy ý kiến từ các trường, cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu từ cơ sở, để từ đó có những thay đổi phù hợp. Giảng viên tham gia thực hiện các chuyên để cần chú ý để vừa chuyển tải nội dung kiến thức vừa làm cho giờ học nhẹ nhàng hơn. Thay mặt lãnh đạo nhà trường PGS.TS. Lê Văn Tiến cám ơn Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐTcác tỉnh, Phòng Giáo dục, Trường Bồi dưỡng giáo dục các quận, huyện trên địa bàn đã phối hợp, liên kết đào tạo với TTBDKHGD của nhà trường, cám ơn đội ngũ giảng viên đã đồng hành cùng sự hình thành và góp phần vào sự phát triển không ngừng của TTBDKHGD trong 9 năm qua. Trong giai đoạn 2015 – 2020, nhà trường nói chung và TTBDKHGD sẽ tiếp tục nhận được sực cộng tác, phối hợp giữa các đối tác để TTBDKHGD ngay càng phát triển và lớn mạnh hơn nữa.

Đại biểu về dự đại hội chụp hình lưu niệm

 

Tin và hình ảnh: Thanh Hóa