Thứ Năm, 10-04-2014 | 10:49

HỘI THẢO “GIÁO DỤC HÒA NHẬP” – LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

       Ngày 04 tháng 4 năm 2014, trường Mầm non thực hành phối hợp với Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế tổ chức Hội thảo “Giáo dục hòa nhập – Lý luận và thực tiễn” tại phòng E.8 – Cơ sở 1.

PGS.TS. Lê Văn Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo

      Về dự Hội thảo gồm có đại diện các trường: Đại học Sư phạm TP.HCM, Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Việt Nam, các trường mầm non đến từ các tỉnh thành phố trên cả nước, các chuyên gia thuộc các ngành Tâm lý, Giáo dục đặc biệt, Giáo dục mầm non …

      Về phía trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp.Hồ Chí Minh có PGS.TS. Lê Văn Tiến – Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thị Kim Anh – Phó Hiệu trưởng nhà trường, ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân – Hiệu trưởng trường Mầm non thực hành cùng giảng viên các khoa và sinh viên trường cũng tham dự hội thảo.

       Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 27 bài tham luận từ các nhà nghiên cứu, các giảng viên thuộc chuyên ngành Tâm lý, Giáo dục đặc biệt, Giáo dục mầm non, các nhà tâm lý lâm sàng thực hành tại các cơ sở giám định, đào tạo nghiên cứu và các bệnh viện cùng các nhà quản lý trường mầm non, các thầy/cô giáo mầm non và hòa nhập, phụ huynh trẻ hòa nhập trên cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo nghe báo cáo tham luận

       Các bài tham luận tại hội thảo tập trung chủ yếu vào ba vấn đề chính: (1) Cơ sở lý luận và thực tiễn của giáo dục hòa nhập; (2) Tình hình tổ chức và phương pháp thực hiện giáo dục hòa nhập tại các cơ sở giáo dục nuôi dạy trẻ; (3) Một số kết quả thực hiện công tác giáo dục hòa nhập.

       Các đại biểu dự hội thảo đều nhìn nhận còn nhiều thách thức trong giáo dục hòa nhập ở nước ta, được thể hiện qua một số phương diện như: nhận thức của cộng đồng về giáo dục hòa nhập; môi trường học tập và sinh hoạt của trẻ hòa nhập; chất lượng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; các chính sách và cơ chế; chương trình tài liệu, trang thiết bị phục vụ giảng dạy trong hòa nhập.

       Mặc dù vậy, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ đã được được ngành giáo dục, chính quyền các địa phương, các trường học và các tổ chức xã hội đặc biệt quan tâm. Nhiều trường Đại học, Cao đẳng bắt đầu mở các khóa đào tạo chính quy và không chính quy, các trung tâm bồi dưỡng thuộc chuyên ngành Giáo dục đặc biệt để đáp ứng việc cung cấp đội ngũ giáo viên cho các trường. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có 2 nơi mở khoa Giáo dục đặc biệt là trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh và Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp.Hồ Chí Minh.

      Theo TS. Nguyễn Minh Anh, hai khái niệm chủ đạo trong giáo dục đặc biệt là Giáo dục chuyên biệt (theo 3 dạng tật chính là khiếm thính, khiếm thị, và chậm phát triển trí tuệ và đa tật) và Giáo dục hòa nhập. Trong đó khái niệm Giáo dục hòa nhập thường hay bị hiểu sai nhất, tuy rằng khuynh hướng này hiện nay được áp dụng khá rộng rãi.

      Theo đó, "Khuynh hướng hòa nhập" (Mainstreaming - tiếng Anh) có nghĩa là giúp đỡ người khuyết tật sống, học tập và làm việc trong những điều kiện đặc thù, nơi họ có được cơ hội tốt nhất để trở nên độc lập tới mức mà họ có thể. Khuynh hướng hòa nhập được định nghĩa như việc hòa nhập trẻ khuyết tật và bình thường trong cùng một lớp học. Điều này mang lại cho trẻ khuyết tật cơ hội gia nhập "xu hướng chính của cuộc sống" bằng việc hướng chúng đến việc lĩnh hội những kinh nghiệm ở tuổi mầm non từ những bạn bè bình thường đồng tranh lứa, đồng thời cũng đem đến cho trẻ bình thường có hội học tập và phát triển thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ những mặt mạnh và yếu của những bạn bè khuyết tật.

       Do đó, ta có thể hiểu là "hòa nhập" không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ khuyết tật mà còn cho trẻ bình thường. Sự hòa nhập mở ra cơ hội học tập cho cả hai đối tượng trẻ: Trẻ bình thường và trẻ khuyết tật.

Đại biểu về dự Hội thảo chụp hình lưu niệm

       Mục tiêu của giáo dục hoà nhập cho trẻ trong các nhà trường là góp phần hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, giúp trẻ tăng tính tự lập, đồng thời chuẩn bị tốt các kỹ năng xã hội, không những đảm bảo công bằng cho mọi trẻ em được đến trường, mà còn là tiền đề cho trẻ khuyết tật tự khẳng định, hoà nhập xã hội. Giáo dục hoà nhập sẽ đạt được kết quả thiết thực nếu như có được sự quan tâm tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội cùng chung tay thực hiện./.

 

Ý Như