Thứ Hai, 29-12-2014 | 13:29

HỘI THẢO KHOA HỌC “ĐỔI MỚI NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN MẦM NON”

       Chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non luôn là một trong những chiến lược phát triển giáo dục được sự quan tâm hàng đầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Nhằm tạo diễn đàn thảo luận và đánh giá về chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non, sáng ngày 26 tháng 12 năm 2014, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Khoa học "Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non".

Đông đảo đại biểu về dự Hội thảo khoa học "Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non"

        Về dự Hội thảo khoa học có sự hiện diện của PGS.TS. Lê Trọng Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & Môi trường – Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS. Lê Văn Tiến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp.Hồ Chí Minh, NGƯT.TS. Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), NGƯT.ThS. Lê Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, cùng sự quan tâm và tham gia đông đảo các nhà quản lý, nhà giáo, nhà nghiên cứu đến từ Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội), Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Thủ Dầu Một và một số trường Cao đẳng, Đại học đến từ các tỉnh thành trong cả nước.

      Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Tiến nhấn mạnh “Hội thảo lần này nhằm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đây là một trong hai hội thảo trọng điểm mà nhà trường tổ chức trong năm học 2014 – 2015 theo đơn đặt hàng của Hội đồng Hiệu trưởng các trường sư phạm, nhằm phát huy thế mạnh và vai trò của các trường Cao đẳng trong hệ thống giáo dục hiện nay”.

PGS.TS. Lê Văn Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo

      Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Trọng Hùng rất hoan nghênh ý tưởng của Hội đồng Hiệu trưởng các trường sư phạm, đồng thời nhấn mạnh Hội thảo lần này cũng góp phần thực hiện các mục tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra: Thay đổi chương trình sách giáo khoa, hình thành các kỹ năng sáng tạo, trải nghiệm, giúp cho trẻ có sự tự tin, kỹ năng tốt khi vào lớp 1; Xây dựng mô hình Giáo dục mầm non có hiệu quả cao đáp ứng với tình hình đất nước, đồng thời có tính hội nhập quốc tế cao; Gắn chương trình đào tạo với các cơ sở thực hành, thực tập để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và thực tiển xã hội; Nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của các trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục của nước ta.

PGS.TS. Lê Trọng Hùng phát biểu tại Hội thảo

      Ban tổ chức Hội thảo Khoa học “Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non” đã nhận được hơn 30 bài viết từ các nhà quản lý giáo dục, đào tạo, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục mầm non trên cả nước. Các bài viết tập trung chủ yếu vào hai vấn đề lớn: (1) Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non; (2) Các nghiên cứu trao đổi liên quan đến chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non. Tất cả những đóng góp và ý kiến của các nhà khoa học xung quanh hai nội dung trên được trình bày trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non.

       Tại Hội thảo, đại biểu đã nghe 06 chuyên đề báo cáo xung quanh các vấn đề về xây dựng chương trình giáo dục trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên từ góc độ nhà tuyển dụng cũng như nêu lên thực trạng đổi mới phương pháp dạy học theo học chế tín chỉ, việc tổ chức thực hành, thực tập, nâng cao kỹ năng sư phạm cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non, giới thiệu một số phương pháp và xây dựng chương trình song ngành (Vd: Giáo dục mầm non – Sư phạm Mỹ Thuật; Giáo dục mầm non – Giáo dục Đặc biệt; Giáo dục mầm non – Sư phạm Âm Nhạc) đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

       Trong bài tham luận, NGƯT.TS. Đặng Lộc Thọ nêu: Xây dựng chương trình giáo dục theo yêu cầu đổi mới là một vấn đề lớn cần tiếp tục được quan tâm nghiên cứu trong khoa học giáo dục hiện đại và trong quá trình đổi mới của đất nước; Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn chương trình đào tạo giáo viên mầm non hiện nay, đổi mới chương trình giáo dục trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, để đạt được mục tiêu trên, trong quá trình đào tạo phải có sự chỉnh sửa theo từng khóa học nhằm bổ sung thường xuyên kiến thức mới, đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của thực tế xã hội.

NGƯT.TS. Đặng Lộc Thọ báo cáo tham luận tại Hội thảo

       Bàn về vấn đề dạy sáng tạo cho sinh viên ngành Giáo dục mầm non, ThS. Võ Trường Linh (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM): nội dung này rất cần nhưng hiện nay đang rất thiếu. Bên cạnh đó, cơ chế tính giờ dạy lý thuyết và thực hành không hợp lý; nếu tính giờ dạy thực hành bằng 50% so với giờ dạy lý thuyết thì sinh viên sẽ thiếu giờ dạy kỹ năng. Cách tính thù lao lao động cho các giảng viên ở các cấp bậc, học vị khác nhau cũng chưa hợp lý. Tiếp tục vấn đề này, NGƯT.ThS. Lê Thu Hà (Hiệu trưởng trường CĐSPTW Nha Trang): Việc dạy chuyên đề về sáng tạo là một vấn đề cần xem xét nghiêm túc, cần được quan tâm ở tất cả bộ môn. Về việc tính giờ dạy, lao động của các giảng viên ở các cấp bậc, học vị khác nhau còn nhiều bất cập; tuy vậy, cơ chế ở các trường phải dựa vào Thông tư, Quy định của Chính Phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo.

NGƯT.ThS. Lê Thu Hà phát biểu tại Hội thảo

      Bàn về đổi mới nội dung chương trình đào tạo, ThS. Lê Thị Thanh Nga (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM): Đội ngũ giảng viên giảng dạy chưa có tiếng nói, ý kiến về việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo Giáo viên mầm non lên cấp cao hơn. Ví dụ: trong chương trình khung được ban hành cho các trường Cao đẳng, học phần Tiếng Anh chiếm 7 tín chỉ, trong khi đó, những học phần Phương pháp để rèn kỹ năng chuyên ngành cho sinh viên thì chỉ chiếm 2 tín chỉ/học phần. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện theo hệ thống tín chỉ.

     Tiếp vấn đề của ThS. Lê Thị Thanh Nga, NGƯT.TS. Đặng Lộc Thọ nêu: Từ năm 2012, Luật Giáo dục đại học đã giao quyền xây dựng chương trình cho Hiệu trưởng các trường, nên chương trình khung có thể thay đổi theo hướng linh hoạt hơn để phù hợp tình hình thực tế. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương pháp giảng dạy, đào tạo giáo viên mầm non là rất cần thiết để chuyển đổi từ cách dạy truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực của người học.

      Theo TS. Phạm Thu Hương (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM): Về học phần tiếng Anh và Tin học, người học cần được học từ bên ngoài để tích lũy đủ theo yêu cầu ngành nghề. Các chuyên đề chuyên sâu cần được bồi dưỡng thêm theo nguyện vọng của người học, nhu cầu thực tế của địa phương bằng các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, được tổ chức thường xuyên. Chương trình cần tăng giờ cho các môn học chuyên ngành.

       ThS. Nguyễn Thị Hương Quỳnh (trực tiếp quản lý hoạt động khoa học công nghệ của ba trường Trung ương) đánh giá: Các đề tài nghiên cứu khoa học của ba trường mang tính thiết thực và ứng dụng cao; Cần tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên ở các trường; Cần xây dựng lộ trình cụ thể để thay đổi nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non; Tập huấn các chuyên đề khoa học liên quan đến đào tạo giáo viên mầm non.

       Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Tiến đánh giá cao sự thành công của Hội thảo, các bài viết nghiên cứu được trình bày trong cuốn kỷ yếu cả về số lượng, chất lượng đã nói lên tầm quan trọng của việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non trong bối cảnh hiện nay của đất nước. Tuy nhiên, PGS. TS. Lê Văn Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng trực tiếp của các nhà quản lý giáo dục là vạch ra đường hướng chung nhưng chính những giảng viên, cán bộ chuyên môn là những người tham gia trực tiếp vào quá trình đổi mới chương trình và phương pháp, chính vì vậy cần phải mạnh dạn đề xuất những nội dung chương trình cần đổi mới, thay đổi các phương pháp dạy – học để sinh viên có kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu thực tế của xã hội và mang tính hội nhập cao. Kết thúc bài phát biểu bế bạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Tiến gửi lời cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Vụ Khoa học Công nghệ & Môi trường, cảm ơn sự hợp tác của các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các trường Cao đẳng, Đại học trong cả nước và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hợp tác trong thời gian tới. Trước thềm năm mới 2015, Thầy chúc toàn thể quý đại biểu có nhiều sức khỏe, thành công, an khang thịnh vượng và vạn sự như ý. Hội thảo Khoa học “Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non” đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Đại biểu về dự Hội thảo khoa học chụp hình lưu niệm

 

Tin và hình ảnh: CVT