Thứ Tư, 23-10-2019 | 16:14

NHỮNG BIỂU HIỆN XUNG ĐỘT TÂM LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI CỦA TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI

Những biểu hiện xung đột tâm lý trong hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi/Nguyễn Thị Hiền// Thông tin khoa học giáo dục nhà trường và thực tiễn giáo dục.- Số 21/2018.-Tr.: 22-25.

                                                                ThS. Nguyễn Thị Hiền

                                                           Khoa Cơ bản - CĐSPTW TP.HCM

 

Ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo, là hoạt động mà tạo nhiều hứng thú nhất ở trẻ, nó có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển nhân cách ở trẻ lứa tuổi này. Ở đó trẻ được tham gia vào các mối quan hệ qua lại giữa các trẻ với nhau, trẻ mong muốn được thể hiện mình, bày tỏ nguyện vọng của mình… Cũng chính vì lý do đó trẻ gặp phải sự đối lập trong mong muốn nguyện vọng của các bạn, của nhóm và các cuộc tranh luận, cãi vã, ẩu đả giữa các trẻ với nhau diễn ra không ít, hệ quả thường được thấy là những cảm xúc và hành vi tiêu cực hơn là tích cực.

Mặt khác lứa tuổi này các em chưa có khả năng giải quyết xung đột, điều chỉnh xung đột theo hướng tích cực vì vậy nếu giáo viên mầm non biết điều chỉnh xung đột thì các xung đột sẽ không còn là yếu tố tiêu cực mà thay vào đó trẻ sẽ hiểu hơn về bạn, về luật chơi, về mối quan hệ cần có khi chơi cùng bạn, qua đó, hình thành, giáo dục kỹ năng giải quyết xung đột cho trẻ.

Theo học thuyết S. Freud khi có những ức chế hay mâu thuẫn nội tâm thì chủ thể thường có những biểu hiện như: Né tránh chính bản thân mình, phản ứng bằng cơ chế tự vệ, chối bỏ thực tế và có thể dẫn đến những chứng nhiễu tâm. Theo ông có hai biểu hiện của xung đột nội tâm là gây hấn và trầm cảm, nếu như không giải quyết được thì xung đột sẽ là căn nguyên của các bệnh tâm thần [3].

Cũng theo nhà Tâm lý học người Mỹ (1984) và Shantz (1987) khi có xung đột thì các trẻ có biểu hiện như: Chống đối, phản kháng, bất đồng, thách thức trẻ khác và đỉnh cao của nó là có những chống đối phản kháng bằng hành vi [10].

Theo tác giả Đinh Thị Kim Thoa, trong luận án tiến sĩ nghiên cứu về xung đột tâm lý trong hoạt động vui chơi sắm vai có chủ đề, tác giả nhận định khi có xung đột tâm lý trong hoạt động vui chơi sắm vai có chủ đề các trẻ thường có biểu hiện như: Xúc cảm (tức giận, ấm ức, khóc, la hét…); Hành vi: Cử chỉ điệu bộ, tư thế, vẻ mặt, ánh mắt, hành động tác động lên đối tượng (đánh bạn, ném đồ vật vào bạn); hành vi phi ngôn ngữ. Trong các biểu hiện xung đột trên thì cách thức xung đột bằng lời nói của trẻ chiếm ưu thế hơn cả, trong đó hình thức xung đột bằng ngôn ngữ rất đa dạng như: mệnh lệnh đe dọa và trẻ cũng hay sử dụng hình thức phi ngôn ngữ như khóc, la hét, quát tháo… [7, tr55].

Tác giả Đỗ Hạnh Nga cũng nghiên cứu về xung đột cho rằng có hai biểu hiện xung đột tâm lý bao gồm hành vi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, như la mắng, cằn nhằn, chửi bới, lăng mạ, kèm theo hành vi như vùng vằng, tư thế ngang ngạnh, ánh mắt giận dỗi, im lặng, cau có, xô đẩy, đánh, tát, đá, đập đồ đạc… Ngoài ra, tác giả cho rằng biểu hiện hành vi xung đột tâm lý có chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm khí chất, giới tính, tính cách, trình độ nhận thức và yếu tố khách quan như là hệ thống các điều luật, tình huống xung đột và hoàn cảnh xảy ra xung đột [6, tr28-29].

Còn tác giả Nguyễn Thị Minh cho rằng, biểu hiện xung đột tâm lý có mức độ mạnh dần lên theo từng tình huống. Khởi nguyên của xung đột tâm lý bắt đầu từ sự mâu thuẫn bất đồng với nhau về mặt nhận thức, đó là quan điểm khác nhau về một số lĩnh vực trong cuộc sống. Sau đó sự mâu thuẫn bất đồng được các cá nhân thể hiện về cảm xúc và hành vi, cụ thể biểu hiện ở mặt cảm xúc như: cảm thấy bực tức, bức bối, cáu kỉnh nổi nóng, dễ tức giận với mọi thứ xung quanh, đi khỏi nhà, thấy mình cô độc và dễ bị tổn thương, coi thường, khinh bỉ. Biểu hiện hành vi như: hét lên, đe dọa, im lặng, kèm theo những hành vi như nói trống không, dùng từ không lịch sự, xưng hô thiếu tôn trọng, chửi thề chửi đổng, chê bai, chống tay, phá đồ đạc, tát, dùng tay chân đấm đá, đánh bằng một vật… [5, tr38-42].

Trên cơ sở nghiên cứu các biểu hiện xung đột tâm lý của các nhà nghiên cứu tâm lý trong nước và nước ngoài và với kinh nghiệm giảng dạy, quan sát thực tế chúng tôi đưa ra một số biểu hiện xung đột tâm lý trong hoạt động vui chơi của trẻ 5-6 tuổi như sau

Mặt nhận thức: Đó là những bất đồng quan điểm về nội dung chơi, về đồ chơi, kỹ năng chơi, mối quan hệ khi chơi… Cụ thể như:

-Trẻ thường bất đồng với bạn khi chọn đồ dùng, đồ chơi khi chơi trò chơi với đồ vật.

-Trẻ thường bất đồng với bạn khi chơi cùng đồ chơi với bạn (khi trò chuyện về ý tưởng, kế hoạch, cách chơi, sự thể hiện mình…).

-Trẻ thường bất đồng với bạn khi chọn chủ đề chơi giả bộ có cốt chuyện (trò chơi sắm vai có chủ đề).

-Trẻ thường bất đồng với bạn trong quá trình chơi trò chơi giả bộ (khi thống nhất về vai chơi, hành động chơi, đồ chơi…).

-Trẻ thường bất đồng với bạn khi chọn vật liệu trong trò chơi xây dựng.

-Trẻ thường bất đồng với bạn trong quá trình chơi trò chơi xây dựng (khi trò chuyện, bày tỏ về ý tưởng, kế hoạch, kỹ năng chơi, sự phối hợp…).

-Trẻ thường bất đồng với bạn khi thống nhất về luật chơi trong trò chơi có luật.

-Trẻ thường bất đồng với bạn trong quá trình chơi trò chơi có luật (khi trò chuyện, bày tỏ về ý tưởng, kế hoạch, kỹ năng chơi, sự phối hợp,...

Mặt cảm xúc: Đó là những cảm xúc không thích, không vui vẻ, khó chịu, ấm ức, buồn rầu, tức giận… khi có xung đột với bạn trong khi chơi.

- Trẻ thường không thích, không vui vẻ khi chơi đồ chơi với bạn.

- Trẻ khó chịu, ấm ức khi không được chọn những đồ chơi mình thích.

- Trẻ thường không thích, không vui khi chơi với bạn trong trò chơi giả bộ.

- Trẻ không thích, khó chịu chủ đề chơi trong trò chơi sắm vai mà bạn đưa ra.

- Trẻ buồn rầu, ấm ức khi không được đóng các vai chơi mình thích trong trò chơi giả bộ.

- Trẻ không thích, khó chịu khi thực hiện hành động chơi theo ý của bạn mà không phải ý mình.

- Trẻ thường không thích, không vui khi chơi với bạn trong trò chơi xây dựng.

- Trẻ không thích, khó chịu khi bạn chọn những vật liệu xây dựng không theo đúng ý mình.

- Trẻ khó chịu cáu giận khi bạn không xây dựng theo ý của mình.

- Trẻ thường không thích không vui khi chơi trò chơi có luật.

- Trẻ khó chịu, tức giận khi bạn làm trái với luật chơi đưa ra.

- Trẻ không thích, khó chịu khi bạn mình không biết chơi, vụng về trong các trò chơi.

Mặt hành vi: Đó là những hành vi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ khi có xung đột với bạn trong khi chơi.

- Im lặng mặc kệ bạn khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Bỏ đi không nói gì khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Vùng vằng, vênh váo, nhìn chằm chằm khi bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- La hét, quát lên khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Đe dọa bạn khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Đẩy bạn khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Phá hỏng đồ chơi khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Ném đồ chơi đi chỗ khác khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Ném đồ chơi vào bạn khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Giành giựt đồ chơi về mình khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Đánh bạn, cắn bạn, cấu véo bạn khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

- Không chơi cùng bạn nữa tìm góc khác, bạn khác để chơi khi có bất đồng, mâu thuẫn với bạn.

Dưới góc độ nghiên cứu tâm lý về xung đột tâm lý trong hoạt động vui chơi, chúng tôi đưa ra một số biểu hiện về xung đột tâm lý trong hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi góp phần giúp giáo viên mầm non nhận biết các xung đột giữa các trẻ thông qua các biểu hiện cụ thể khi các trẻ chơi cùng nhau. Với mong muốn góp phần giúp các cô mầm non chăm sóc giáo dục trẻ được tốt hơn và kịp thời điều chỉnh xung đột và khắc phục ngay từ những biểu hiện ở những bất đồng về mặt nhận thức, cảm xúc, hành vi ở mức độ yếu chưa mạnh./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Thanh Âm (1997), Giáo dục mầm non, tập 1,2,3, Nxb ĐHQG Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục Mầm non (1995), Chương trình chăm sóc – giáo dục trẻ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. S. Freud (2000), Phân tâm học, Nxb Thế giới, Hà Nội.