Thứ Tư, 05-12-2012 | 20:06

Diễn văn của hiệu trưởng nhân lễ kỷ niệm 30 năm ngày nhà giáo việt nam 20/11/1982-20/11/2012

diễn văn hiệu trưởng

- Kính thưa, Cô Lê Minh Nga, Cô Trần Thị Quốc Minh – nguyên Hiệu Trưởng nhà trường;

- Kính thưa các Thầy, Cô – nguyên là lãnh đạo Đảng, Chính quyền nhà trường các thời kì;

- Kính thưa các Thầy, Cô Hội giáo chức Trường CĐSPTW TP.HCM.

- Kính thưa Quý Thầy Cô giáo, CBVC và các em sinh viên thân mến,

       Ông cha ta có câu : “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Câu nói ấy là một trong nhiều minh chứng cho truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta, truyền thống tôn kính và biết ơn người dạy bảo, dù người chỉ cho ta nửa chữ mà thôi!

       Quyết định số 167-HĐBT ngày 28-9-1982 của Hội đồng Bộ trưởng lấy ngày 20-11 làm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh truyền thống tốt đẹp ấy và đề cao vai trò, vị trí của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục và xây dựng đất nước.

        30 năm đã trôi qua, hôm nay chúng ta lại tụ họp về đây, tay bắt mặt mừng để cùng ôn lại bao kỉ niệm vui buồn, chia sẻ bao điều tâm sự và hơn hết là tận hưởng niềm hạnh phúc được làm thầy, làm cô của bao thế hệ học trò.

          Hôm qua và hôm nay, nhiều đơn vị đã đến chúc mừng thầy cô trường chúng ta nhân ngày 20/11, đặc biệt trong đó có đoàn cán bộ của Ban tuyên giáo thành ủy TP.HCM. Chúng ta chân thành cảm ơn và cảm thấy ấm lòng hơn, vui và hạnh phúc hơn với những tình cảm và sự ghi nhận ấy của mọi người và nhất là của các thế hệ học sinh, sinh viên.

         30 năm, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt, thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, kinh tế phát triển nhanh hơn, nhưng cuộc sống dường như lại trở nên bộn bề và lo toan hơn, gồ ghề và phức tạp hơn. Thế nhưng, biết bao người trong chúng ta – những nhà giáo, vẫn miệt mài trên bục giảng, say mê với nghiệp “trồng người”.

        Tôi muốn mượn lại câu tự vấn của PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT, phát biểu trong Hội thảo “Người thầy – Nhân tố quan trọng trong sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo” do Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 8/11 vừa qua:

         Điều gì trở thành động lực chính thúc đẩy người thầy say mê trên bục giảng?

         - Có phải lương cao, cuộc sống giàu sang sung túc ? Câu trả lời là không !

         - Có phải danh tiếng nhiều người biết đến ? Không !

         - Có phải quà cáp hậu hĩnh của người học : Không !

         - Có phải chức vụ cao sang ? Không !

         - Có phải công việc nhàn nhã ? Cũng không !

         Tôi lại tự vấn thêm: Vì sao nhiều bạn trẻ vẫn thi vào ngành sư phạm, khi chẳng thể tìm thấy ở đấy sự giàu sang, chức tước và nhàn nhã ? Có phải chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm ? Tôi tin câu trả lời gần là không !

         Tôi lấy một ví dụ minh chứng cho nhận định này, đó là điểm trúng tuyển vào Đại học năm 2012 của ngành sư phạm, với các khối thi mà ta có thể so sánh với các ngành kinh tế, kĩ thuật, thương mại :

-  ĐHSP TP.HCM : SP Toán (20), SP Lí (17,5), Hóa (19,5), Giáo dục Tiểu học (khối A và D1 : 17,5).

-  ĐHSP Hà nội : Toán (21), Lí (20), Hóa (21), GDTH khối D (21), Giáo dục Đặc biệt (khối C, D1 : 15)

          Với số điểm ấy, thí sinh có thể đậu vào nhiều ngành kinh tế, kĩ thuật hay thương mại, trong đó có những ngành « thời thượng » :

 Ví dụ : ĐH Bách khoa TP.HCM : điện – điện tử (19), CNTT (18,5), Quản lí công nghiệp (18) ; ĐH Kinh tế TP.HCM ( 19) ; ĐH Công nghiệp TP.HCM : đa số các ngành lấy đúng điểm sàn.

         Vì thế, tôi đồng tình với nhận định của PGS.TS Nguyễn Tấn Phát : Động lực chính của niềm say mê trên bục giảng của người thầy đó chính là : Tin – Yêu và Tinh thần trách nhiệm.

        - Đó là niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào con người, vào đồng nghiệp và trước hết là vào học trò của mình,…

        - Đó là niềm tin và tình yêu vào nghề « bụi phấn » vào nghiệp « trồng người »,

        - Đó là tinh thần trách nhiệm trước học trò của mình, trước trường mình và trước xã hội.

        Chính Niềm tin – Tình yêu – và tinh thần trách nhiệm ấy là bảo bối giữ cho ta vượt qua thử thách của cuộc sống vốn rất gồ ghề, khó khăn và đầy phức tạp ; cho chúng ta biết tự hài lòng với cuộc sống hiện tại ; cho chúng ta sự độ lượng để không trở nên nhỏ nhen, hay ganh tị với người khác chỉ vì một chút thua thiệt ; cho chúng ta sự thoải mái, không quá đòi hỏi khi mong muốn và nhu cầu của ta chưa kịp được đáp ứng ; cho chúng ta biết cảm thông và chia sẻ trách nhiệm với đơn vị mình, với nhà trường trước những khó khăn và hạn chế mà chúng ta chưa kịp khắc phục. Trên hết thảy, vì Tin – Yêu và Tinh thần trách nhiệm mà bao thế hệ thầy cô giáo đã và đang dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục nói chung và cho ngôi trường CĐSPTW TP.HCM thân yêu này.

        Nhân lễ kỉ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam, thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi xin gửi đến các nhà giáo lão thành, các thầy cô giáo nhiều thế hệ của Trường, lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.

         Xin được tri ân quý thầy cô đã và đang công tác tại Trường CĐSPTW TP.HCM vì những tình cảm và sự cống hiến to lớn mà thầy cô đã dành cho mái trường này.

         Chúc quí thầy cô đang công tác luôn giữ được Niềm tin – Tình yêu và Tinh thần trách nhiệm, để vẫn mãi say mê với bục giảng, với trang giáo án của mình.

         Nếu mất niềm tin – tình yêu và tinh thần trách nhiệm ấy, thì không chỉ chúng ta sẽ đánh mất chính mình, mà còn đánh mất cả thế hệ các thầy cô giáo tương lai đang nhìn chúng ta như những tấm gương sáng.

        Xin được tri ân bao thế hệ cán bộ, viên chức của Trường, với sự nhiệt tâm và lòng tận tụy đã tạo những điều kiện tốt nhất để cho thầy và trò chúng tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và học tập của mình.

          Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo nhà trường, xin chúc mừng thầy Tuấn Nguyên Bình – Trưởng khoa Mĩ thuật đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú như một sự ghi nhận cho những công hiến to lớn của thầy với sự nghiệp giáo dục nói chung và với Trường CĐSPTW TP.HCM nói riêng.

         Ngày 20/11 lại về, lớp lớp sinh viên của Trường giờ đây đang vững bước trên khắp nẻo đường của đất nước. Nhiều sinh viên ngày ấy giờ đây đã là thầy, là cô của bao đàn em nhỏ; cũng có những sinh viên đang công tác trong các ngành không phải là sư phạm; đặc biệt có những người đã trở thành những nhà quản lý giỏi, những cán bộ chủ chốt của ngành giáo dục. Nhưng điều quan trọng hơn là tất cả những sinh viên ngày ấy và sinh viên bây giờ đang cùng chung một ý nghĩ, một mong muốn và một tấm lòng hướng về những người thầy cô giáo cũ của mình – những người suốt đời lặng lẽ lái con thuyền vượt qua bao sóng gió, thác gềnh mang hạnh phúc đến cho đời, cho người.

         Xin được cảm ơn tấm lòng của các em sinh viên. Tình cảm của các em đang sưởi ấm tâm hồn bao thế hệ thầy cô giáo. Chúc các em luôn vững tin trên con đường mà mình đã chọn, cố gắng học tập thật giỏi, phấn đấu thật tốt để đền đáp lại tình thương yêu và niềm tin tưởng mà các thầy cô luôn dành cho học trò của mình.

        Thay mặt lãnh đạo nhà trường, kính chúc quý thầy cô, các vị khách quí, cùng toàn thể cán bộ, CNV và sinh viên của Trường luôn dồi dào sức khỏe, luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

         Một lần nữa, xin cảm ơn và trân trọng kính chào.