Thứ Sáu, 25-01-2013 | 11:23

VĂN HỌC THIẾU NHI VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐỐI VỚI SINH VIÊN CAO ĐẲNG SƯ PHẠM MẦM NON

 

VĂN HỌC THIẾU NHI VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐỐI VỚI SINH VIÊN

 CAO ĐẲNG SƯ PHẠM MẦM NON



                                                                                         Ths. Hoàng Thị Lan

                                                                         Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

  Văn học thiếu nhi (VHTN) đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, hình thức; chứa đựng nhiều giá trị nhân văn hướng tới giáo dục và hoàn thiện nhân cách con người. Vì thế, để giúp SV tiếp nhận tốt những kiến thức của học phần VHTN với phương pháp, kỹ năng  cho trẻ mầm non làm quen với tác phẩm văn học, giảng viên (GV) cần có những định hướng  cho SV nắm được những nét đặc trưng của VHTN ngay từ bài học đầu tiên.

1. Đặc trưng của VHTN:

- Về nội dung:

  a)Là những sáng tác phù hợp với tâm lí lứa tuổi khác nhau của trẻ em, được “nhìn đôi mắt trẻ thơ” và xuất phát từ cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo, tự nhiên “như trẻ thơ”. Mỗi lần sáng tác cho các em là một lần người viết được “sống lại” tuổi thơ của mình và hòa đồng tâm hồn với  trẻ thơ. Thế giới xung quanh trẻ luôn vui tươi, trong trẻo. Niềm vui như là một lẽ sống tự nhiên của các em - từ cách nhìn, cách nghe, cách cảm, cách nghĩ, trí tưởng tượng…

Một tác phẩm viết về con người hay đồ vật chỉ được coi là một tác phẩm VHTN khi tác giả  biết “trẻ con hóa” những con vật, đồ vật ấy để nói lên những suy nghĩ của chính các em; cảm thông, chia sẻ, cảm hóa các em bằng những bài học nhân ái, nhẹ nhàng mà sâu sắc: “Ngỗng không chịu học/ Khoe biết chữ rồi/ Vịt đưa sách ngược/ Ngỗng cứ tưởng xuôi/ Cứ giả đọc nhẩm/ Làm vịt phì cười/ Vịt khuyên một hồi/ Ngỗng ơi! Học! Học!”…(Ngỗng và Vịt - Phạm Hổ).

  b)Có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em cả về đạo đức, trí tuệ và tình cảm thẩm mĩ.Ở lứa tuổi mầm non, với tâm hồn thơ ngây, trong trắng, chưa có nhiều những trải nghiệm cá nhân, nhận thức về thế giới xung quanh ở mức cảm tính…, nên việc tiếp xúc với cái đẹp lấp lánh của ngôn từ và trí tưởng tượng phong phú trong tác phẩm VHTN sẽ là cơ sở để các em rung động và cảm nhận được vẻ đẹp về một thế giới bao la đầy âm thanh, màu sắc và sự huyền bí. Trong truyện cổ tích, trẻ được gặp ông Bụt, bà Tiên tốt bụng với những phép biến hóa thần thông, những nàng công chúa xinh đẹp, những chàng hoàng tử thông minh, can đảm… Còn trong truyện thần thoại, các em lại được bắt gặp lối nhân hóa và sự tưởng tượng nghệ thuật, ở đó các con vật, cỏ cây, hoa lá hiện lên một cách sinh động thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Trẻ thơ vốn đã sẵn trong đầu trí tưởng tượng phong phú nên khi gặp những yếu tố kì ảo, đẹp đẽ trong các tác phẩm văn học thì trí tưởng tượng ở trẻ càng được thăng hoa, giúp các em phát triển trí tuệ và thưởng thức cái đẹp, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế hơn…

  c)  Phù hợp với thị hiếu, tâm lí các em và hướng dẫn tới cái đẹp chân - thiện – mĩ. Trẻ em ở lứa tuổi mầm non là những “bạn đọc đặc biệt” (chưa biết đọc, biết viết, được tiếp xúc với văn học thiếu nhi chủ yếu là qua lời đọc, lời kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô,…), cho nên VHTN viết cho các em phải đặc biệt quan tâm đến đặc điểm tâm lí lứa tuổi và những sở thích của trẻ nhỏ. Các em vốn rất yêu cái cái đẹp, cái tốt, cái thực; vì vậy các nhà văn cần nắm được những đặc điểm tâm lí của trẻ để thỏa mãn những nhu cầu ấy một cách tự nhiên. Những hình tượng nghệ thuật, giàu giá trị nhân văn kết hợp vần điệu, nhạc điệu do các nhà văn dày công sáng tạo trong tác phẩm sẽ gây được những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn trẻ thơ, tác động nhẹ nhàng đến nhận thức, tư tưởng tình cảm ở trẻ.

  d) VHTN có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ.VHTN như một nguời bạn đồng  hành cùng trẻ thơ, cung cấp cho trẻ thơ một vốn từ ngữ khổng lồ, đặc biệt là những từ ngữ nghệ thuật. Khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm VHTN, vốn từ ngữ của các em phong phú và sống động hơn. Các em tự hình thành cho mình khả năng diễn đạt một vấn đề một cách mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm bởi đã được học cách diễn đạt sinh động ấy trong tác phẩm. Đối với trẻ mầm non, sự phát triển ngôn ngữ ấy qua hoạt động  bắt chước lời nói, việc làm của các nhân vật hoặc những cách diễn đạt trong tác phẩm. Chính quá trình trẻ được nghe, được kể diễn cảm truyện, thơ và được trực tiếp tham gia vào hoạt động đọc, kể lại truyện thơ sẽ giúp trẻ tích lũy và phát triển thêm nhiều từ mới. Điều này giúp giáo viên có thể dễ dàng hơn trong việc rèn luyện khả năng biểu cảm trong ngôn ngữ nói, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ đối thoại với trẻ.

  e) Những tác phẩm thơ, truyện của trẻ tự viết cho mình hay của người lớn viết cho các em phải rất hồn nhiên, vui tươi, ngộ nghĩnh và trong sáng. Những tác phẩm thơ, truyện do chính các em sáng tác bao giờ cũng thể hiện những xúc cảm chân thành, hồn nhiên, trong trẻo,…như chính bản tính của trẻ thơ. Qua cái nhìn “trong veo” ấy, cuộc sống xung quanh các em trở nên hấp dẫn, đẹp đẽ và đầy sức sống. Ví dụ: Đọc bài thơ “Giỡn sóng” của bé Cẩm Thơ, chúng ta thấy hiện lên một thế giới diệu kì với biết bao điều lí thú dưới con mắt của trẻ thơ: “Năm năm em lại về giỡn sóng/ Ôi cái sóng biển Đông! Phù sa về nhuộm hồng/ Triều lên cùng với sóng/ Triều reo như trẻ nhỏ/ Em òa vào lòng sóng mênh mông”…

  Người lớn muốn viết cho trẻ em phải học được sự hồn nhiên, ngây thơ ấy, phải thực sự  hòa nhập với cuộc sống trẻ thơ, sống hết mình với tuổi thơ mới có thể tạo ra được sự cộng hưởng với trẻ thơ và mang lại cho tác phẩm sự thành công. Ví dụ: Bài thơ “Chú thỏ đa nghi” (Phạm Hổ) : “Thỏ đây! Ai đấy? Mèo à? Mèo thế nào? Mình không trông thấy cậu/ Nhỡ đứa khác thì sao?”… không chỉ thể hiện sự hồn nhiên ngây thơ mà còn đa nghi, ngốc nghếch của chú thỏ. Thỏ dùng máy nói mà cứ đòi phải nhìn thấy người ở đầu dây bên kia chú mới tin đó chính là bạn mình.

- Về nghệ thuật:

 a) Giàu chất thơ, chất truyện. Sở dĩ các tác phẩm truyện viết cho trẻ em lôi cuốn, hấp dẫn, có sức cảm hóa lạ lùng, mạnh mẽ được các em là vì luôn lấp lánh chất thơ. Chất thơ giúp trẻ em sau khi được nghe ông bà, cha mẹ kể chuyện, gấp sách lại vẫn thấy bao nhiêu điều kì diệu, “bám chặt” lấy tâm hồn, tình cảm và chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng của tuổi thơ (truyện “Dế mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài là một ví dụ cụ thể).

Chất truyện trong thơ cũng là một trong những yếu tố tạo nên hình tượng cảm xúc trong thơ. Mỗi bài thơ viết cho trẻ thơ gần như là một trong yếu tố tạo nên hình tượng cảm xúc trong thơ. Mỗi bài thơ viết cho trẻ gần như một mẩu truyện hoặc chứa đầy yếu tố truyện. Điều đó khiến cho các em dễ hiểu, dễ cảm nhận và thuộc lòng những vần thơ. Trong bài “Chú bò tìm bạn” (Phạm Hổ), các vần thơ, vần thơ được tác giả viết ra bằng những từ ngữ hết sức đời thường để kể cho các em nghe một câu chuyện về tình bạn đầy xúc động và tinh tế: “Mặt trời rúc bụi tre/ Buổi chiều về nghe mát/ Bò ra sông uống nước/ Thấy bóng mình ngỡ ai/ Bò chào: “Kìa anh bạn/ Lại gặp anh ở đây”/ Nước đang nằm nhìn mây/ Nghe bò cười toét miệng…”

  b)Hài hước, dí dỏm. Mỗi một tác phẩm viết cho các em đều chứa đựng những tiếng cười hóm hỉnh và tinh nghịch, hồn nhiên và trong sáng. Có thể nói trong kí ức về một làng quê bình dị, ở đó chứa đựng biết bao điều lí thú nảy sinh từ những kỷ niệm ấu thơ của mình và bật lên những tiếng cười thật sảng khoái.

Khác với  những tác phẩm của trẻ tự viết cho mình, thơ hay truyện của người lớn viết cho các em phải tiến tới sự kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất trẻ thơ, phải hồn nhiên, vui tươi, ngộ nghĩnh. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đặc trưng ấy trong bài thơ “Ngủ rồi” (Phạm Hổ):“Gà mẹ hỏi gà con/ Đã ngủ chưa đấy hả?/ Cả đàn gà nhao nhao/ Ngủ cả rồi đấy ạ!”…

  c) Ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu. Nếu như thơ, văn viết cho người lớn thường hướng tới  cái gì đó  cao xa, trừu tượng thì thơ, văn viết cho trẻ em phải ngắn gọn, súc tích, trong sáng,  dễ hiểu. Sự ngắn gọn không chỉ thể hiện ở dung lượng tác phẩm mà còn thể hiện trong cả câu văn, câu thơ. Trong văn xuôi thường sử dụng những câu đơn, ngắn, vừa sức với khả năng tiếp nhận của trẻ nhỏ; còn trong thơ, các nhà văn thường sử dụng thể thơ 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ,  rất gần với đồng dao, vui nhộn, vừa dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ.

  d) Giàu hình ảnh, vần điệu, nhạc điệu. Những hình ảnh đẹp, rực rỡ cùng với vần điệu,     nhạc điệu vui tươi sẽ làm cho tác phẩm thêm sinh động và có sức lôi cuốn, hấp dẫn các em. Đây là một trong những yếu tố không thể thiếu trong thơ viết cho các em.

2. Những yêu cầu khi dạy học phần “Văn học thiếu nhi” cho SV CĐSP mầm non

  2.1. GV phải có những hiểu biết và kiến thức về VHTN. Trong hầu hết các tác phẩm viết cho thiếu nhi thường chứa đựng những yếu tố kì ảo, hoang đường. Vì vậy, khi dạy học VHTN, mỗi GV cần phải định hướng cho SV biết khai thác các yếu tố kì ảo, hoang đường trong các tác phẩm VHTN để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm cái đẹp và phát triển tư duy, trí tưởng tượng phong phú cho trẻ.

Không những thế, tác phẩm VHTN luôn hướng tới sự hồn nhiên, vui tươi, ngộ nghĩnh và trong sáng. Vì vậy, khi dạy phần VHTN cho SV, người dạy cũng phải thổi được cái hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của mình trong cảm thụ trong bối cảnh xã hội hiện nay, với những trải nghiệm cuộc sống diễn ra khá phức tạp ở mỗi con người, không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy được sự đồng cảm thực sự trong cảm thụ các tác phẩm VHTN.

  2.2. Lòng yêu nghề, yêu trẻ.Do đặc điểm tâm lí lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ ở độ tuổi mẫu giáo rất hạn chế (vốn ngôn ngữ chưa nhiều, trẻ rất hiếu động, nhiều khi không vâng lời người lớn mà thích làm theo ý riêng của mình…), vì vậy, GV và SV cần nắm được đặc điểm tâm sinh lí của trẻ ở từng độ tuổi để có những phương pháp tổ chức các hoạt động làm quen và tiếp xúc với các tác phẩm văn học một cách hiệu quả. Để làm tốt được vai trò đó, GV dạy học phần VHTN cho SV không chỉ “truyền nghề” (những hiểu biết về tâm sinh lí ở trẻ, những kiến thức cơ bản về VHTN) mà còn phải vun đắp, khơi dậy và rèn luyện được tính kiên trì, nhẫn nại,…trong mọi tình huống học tập của trẻ.

  2.3 Biết sử dụng các PPDH thích hợp trong các hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học ở trường mầm non. Hướng dạy học mới “Học mà chơi, chơi mà học” đang được vận dụng khá triệt để trong hệ thống các trường mầm non, nhất là các trường ở đô thị lớn. Giáo viên tổ chức các hoạt động để trẻ được chơi một cách tự do trong môi trường vật chất phong phú ở các lớp học và ngoài trời, trẻ học qua sự giao tiếp với mọi người, với môi trường xung quanh. Lớp học có thể chia ra nhiều “Góc học tập” để trẻ hoạt động theo sở thích trong một khoảng không gian tùy theo sự say mê của trẻ như: “Góc chơi đóng vai theo chủ đề”, “Góc xây dựng tạo hình”, “Góc khoa học, toán học, văn học”…Giáo viên là người hỗ trợ và khuyến khích, động viên trẻ tự tìm hiểu khám phá, nói ra những suy nghĩ và tình cảm của mình.

Để giúp sinh viên sau khi ra trường có thể thích nghi ngay được với công việc của mình, ngay từ khi còn ngồi học trên giảng đường, GV đã phải định hướng để SV tìm hiểu, nắm vững và biết cách vận dụng những PPDH phù hợp trong các hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học ở trường mầm non. Có rất nhiều hình thức tổ chức cho trẻ làm quen với các tác phẩm văn học: sử dụng các đồ dùng trực quan để minh họa trong giờ đọc kể chuyện, thơ cho trẻ; tập cho trẻ đọc, kể diễn cảm lại tác phẩm truyện, thơ; tổ chức đóng kịch theo các nhân vật trong truyện (đây là một dạng trò chơi rất đặc biệt trẻ rất yêu thích và tích cực tham gia); hoặc kết hợp cho trẻ làm quen với tác phẩm trong một số hoạt động ngoài trời…Bằng những kiến thức về VHTN, những phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học đã được trang bị, SV phải tự xác định được đối tượng dạy học của mình, lựa chọn những tác phẩm sao cho phù hợp với từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ cũng như biết cách vận dụng linh hoạt những PP và biện pháp để trẻ làm quen và tiếp xúc với các tác phẩm văn học một cách hiệu quả và thiết thực.

***

 Dạy học phần VHTN cho SV CĐSP mầm non có những đặc trưng khác với đạy học VHTN cho SV cao đẳng sư phạm chuyên ngành tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nói chung. Giáo viên mầm non không chỉ có kiến thức VHTN, sự hiểu biết xã hội, khoa học, mĩ thuật, âm nhạc… mà còn phải là “những người lao động đa năng”; có cả những nét của người mẹ, của nhà giáo dục, người nghệ sĩ, người y tá…Để đào tạo được đội ngũ GV có những phẩm chất như vậy, chắc chắn đòi hỏi cần phải có sự đầu tư và quan tâm hơn nữa của các cơ quan liên ngành và xã hội.


 

Tài liệu tham khảo

1.Bùi Thanh Truyền - Trần Quỳnh Nga - Nguyễn Thanh Tâm. Thi pháp trong văn học thiếu nhi. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009.

2.Cao Đức Tiến. Văn học thiếu nhi (sách chuẩn hóa giáo viên THSP mầm non hệ 9+1 và 12+1). NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

3.Lã Thị Bắc Lí. Giáo trình văn học trẻ em. NXB Đại học Sư phạm, H, 2006.

4.Lã Thị Bắc Lí – Lê Thị Ánh Tuyết. Phương pháp cho trẻ mầm non làm quen với tác phẩm văn học. NXB Giáo dục, Hà Nội,2009.

5.“Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo giáo viên mầm non” (Hội nghị khoa học Trường CĐSP Trung ương), Hà Nội, 2000.

 

(Tạp chí Giáo dục, số 262, 5/2011, tr. 39 – 41)