Thứ Ba, 10-03-2015 | 17:13

PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ CÓ NHU CẦU ĐẶC BIỆT VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM

Phát triển ngôn ngữ cho trẻ có nhu cầu đặc biệt vấn đề cần được quan tâm / PGS.TS Lã Thị Bắc Lý // Tạp chí Giáo dục Mầm non.- Số 1/2014.- Tr.: 27 – 29

                                                                        PGS.TS Lã Thị Bắc Lý

                                                                Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy và là phương tiện chính trong giao tiếp. Mấu chốt của sự phát triển con người chính là sự phát triển ngôn ngữ. Con đường để giúp cho mọi trẻ em, đặc biệt là những trẻ em khuyết tật và trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số có thể hòa nhập được với cộng đồng, và xa hơn nữa là hội nhập, giao lưu quốc tế, thụ hưởng những thành quả về văn hóa, khoa học kĩ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới chính là phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho các em.

Trẻ “có nhu cầu đặc  biệt”

Thuật ngữ “trẻ có nhu cầu đặc biệt” là một khái niệm khá mới mẻ trong giáo dục, đặc  biệt là ở Việt Nam. Có nhiều quan niệm về vấn đề này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, có thể hiểu về trẻ “có nhu cầu đặc biệt” như sau:

“ Trẻ có nhu cầu đặc biệt là những trẻ có những khác biệt hoặc những khiếm khuyết ở mức nhà trường phải thay đổi các hoạt động để đáp ứng nhu cầu và khả năng của chúng”

Đôi khi, thuật ngữ “trẻ có nhu cầu đặc biệt” còn được thay thế bằng thuật ngữ “trẻ đặc biệt” hay “trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt”. Dường như không có sự khác biệt nào trong việc sử dụng các thuật ngữ này, tuy nhiên, có sử dụng thuật ngữ “trẻ đặc biệt” để nói về một hiện tượng thông minh vượt trội, hoặc để miêu tả một trẻ có đặc điểm cơ thể không bình thường. Ở Mỹ, “trẻ có nhu cầu đặc biệt” được phân loại theo 4 nhóm chính:

1-     Trẻ năng khiếu và tài năng.

2-     Trẻ có nguy có đúp lớp và bỏ học.

3-     Trẻ có khó khăn do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa (trẻ dân tộc thiểu số).

4-     Trẻ khuyết tật.

Bốn nhóm trẻ này được gọi một tên chung là “trẻ có nhu cầu đặc biệt” vì chúng đều cần nhận được sự hỗ trợ của các chương trình và dịch vụ giáo dục đặc biệt.

Theo tính toán của các chuyên gia giáo dục đặc biệt, trẻ có nhu cầu đặc biệt chiếm một bộ phận đáng kể. Số lượng và tỉ lệ này phụ thuộc vào từng trường ở từng địa phương. Mặc dù không được luật pháp đảm bảo quyền như trẻ khuyết tật nhưng cũng giống như trẻ khuyết tật, nhu cầu giáo dục của ba nhóm trẻ còn lại cũng cần nhận được sự  hỗ trợ của giáo dục đặc biệt và những nhu cầu của trẻ có thể được đáp ứng trong những lớp học bình thường. Có ít nhất khoảng 75% trẻ có nhu cầu đặc biệt có khả năng học tập ở mức trung bình và có thể học được trong môi trường giáo dục hòa nhập.

Ở bài viết này, chúng tôi quan tâm tới hai đối tượng: Trẻ có khó khăn do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa (trẻ dân tộc thiểu số) và Trẻ khuyết tật.

Giáo dục mầm non cần phải đặc biệt quan tâm tới hai nhóm đối tượng này, nhất là quan tâm tới việc phát triển ngôn ngữ để đảm bảo quyền lợi cho các em được đến trường phổ thông

1-     Trẻ có khó khăn do sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa (trẻ dân tộc thiểu số)

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có rất nhiều dân tộc có hệ thống ngôn ngữ riêng và nền văn hóa khác biệt. Tiếng Kinh (ngôn ngữ của dân tộc Kinh) được gọi là tiếng Việt – tiếng phổ thông (tiếng được quy định sử dụng bắt buộc trong nhà trường phổ thông). Tất cả trẻ em Việt Nam khi đến trường đều phải sử dụng tiếng Việt để học tập. Vì thế, những trẻ em của các dân tộc thiểu số học tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ thứ hai. Trẻ dân tộc thiểu số học tiếng Việt sẽ khó khăn gần như là học thêm một ngoại ngữ vậy.

Để các trẻ em vùng dân tộc thiểu số có thể đến trường phổ thông, đặc biệt là đi học đúng độ tuổi thì việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho các em ngay từ khi ở trường mầm non là điều quan trọng số một vô cùng cần thiết.

2-     Trẻ khuyết tật (KT)

Trẻ KT là những trẻ có một bộ phận cơ thể bị khiếm khuyết. Sự khiếm khuyết này sẽ dẫn đến những khó khăn khi trẻ học ngôn ngữ. Về cơ bản, có các loại tật ảnh hưởng trực tiếp tới việc học ngôn ngữ của trẻ như sau:

Trẻ KT về thị giác (khiếm thị): Sự suy giảm hay mất khả năng nhìn (mù hoặc nhìn kém) do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc khó khăn khi học ngôn ngữ vì trẻ không thể hoặc khó nhìn để nhận mặt chữ. Những trường hợp mù hẳn phải học bằng hệ thống chữ brai (chữ nổi), tuy nhiên, trẻ vẫn nói và giao tiếp trong cộng đồng bằng ngôn ngữ nói như người bình thường.

Trẻ KT về thính giác (khiếm thính): Sự suy giảm hay mất khả năng nghe khiến trẻ không thể  hoặc khó tri giác được âm thanh ngôn ngữ, vì thế lĩnh hội ngôn ngữ sẽ rất khó khăn dẫn đến việc chậm phát triển hoặc mất tiếng nói làm cho trẻ bị hạn chế chức năng giao tiếp. Những trẻ này nếu được can thiệp sớm và được đeo máy trợ thính phù hợp sẽ có thể phục hồi được chức năng và học được ngôn ngữ như trẻ bình thường.

Trẻ khuyết tật ngôn ngữ là những trẻ có khó khăn về nói, chất lượng phát âm suy giảm một cách đáng kể hoặc thiếu tính lưu loát trong lời nói gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giao tiếp và học tập. Biểu hiện của tật ngôn ngữ rất đa dạng, các dạng thường gặp là:

1-     Nói ngọng: là phát âm sai so với âm chuẩn. Trẻ có thể phát âm sai một hoặc nhiều thành phần của âm tiết như phụ âm đầu, âm đệm, nguyên âm chính, âm cuối và thanh điệu.

2-     Nói lắp: lặp đi lặp lại về âm, từ hoặc cụm từ hoặc một cấu trúc câu, hoặc có những chỗ cách quãng, chỗ ngắt, nghỉ không bình thường trong chuỗi lời nói, gây nên sự chậm trễ hoặc phản cảm trong cách diễn đạt.

3-     Nói khó: phát âm rất khó khăn, nước dãi chảy nhiều và có hiện tượng co cứng ở cơ quan phát âm (như môi, hàm, lưỡi...).

4-     Không nói được: tuy vẫn nghe được người khác nói nhưng lại không nói được.

5-     Mất ngôn ngữ (mất tiếng nói): mất hoàn toàn hay mất một phần khả năng nói, mặc dù trước đó từng nói được.

6-     Rối loạn giọng điệu: thường xuyên nói với giọng quá cao hoặc quá trầm; quá to hoặc quá nhỏ gây nên sự phảm cảm trong cách diễn đạt và sự khó chịu cho người nghe.

Nhìn chung, “Trẻ khuyết tật xuất hiện ngay từ khi có xã hội loài người và tồn tại mãi với xã hội loài người dù cho chế độ chính trị, kinh tế và nền văn hóa có khác nhau”. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc đến những loại tật có ảnh hưởng trực tiếp tới việc phát triển ngôn ngữ của trẻ (còn những loại tật khác như khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ... chúng tôi không đề cập trong bài viết này). Những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là các cô giáo mầm non cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản về vấn đề này để có thể tổ chức giáo dục hòa nhập đạt hiệu quả tốt.

Ý nghĩa của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ có nhu cầu đặc biệt

Nếu trẻ vùng dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt sẽ rất khó khăn trong giao tiếp, đặc biệt là khi tới trường phổ thông, nếu chưa biết tiếng Việt, trẻ sẽ phải học từ đầu, điều này không chỉ khó khăn cho trẻ mà còn ảnh hưởng tới tiến độ học tập văn hóa chung của nhà trường.

Những trẻ khuyết tật, nếu không được phát triển ngôn ngữ sẽ không có cơ hội để phát triển nhân cách một cách toàn diện, để học tập và làm việc như những người bình thường. Và cũng vì không có ngôn ngữ nên trẻ sẽ ngại giao tiếp với mọi người và lâu dần sẽ bị cô lập ngay trong chính gia đình mình, giữa cộng đồng của mình. Nguy hiểm hơn nữa, khi lớn lên, trẻ sẽ không có khả năng tự vệ và khó có thể học được một nghề nuôi sống bản thân. Đó là một thiệt thòi lớn cho chính đứa trẻ, đồng thời cũng là một gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

Những khó khăn của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ có nhu cầu đặc biệt

Khó khăn từ phía trẻ

Những trẻ có nhu cầu đặc biệt về ngôn ngữ thường mặc cảm về sự khiếm khuyết hoặc hạn chế của bản thân, dẫn tới tâm lí tự ti, ngại giao tiếp với mọi người. Trẻ không mạnh dạn và không thích nói. Khi nào buộc phải nói thì trẻ thường nói rất nhỏ, hay nhăn mặt nhăn mũi hoặc hay cau có, gây phản cảm và khó hiểu cho người nghe.

Khó khăn từ phía nhà trường

Cơ sở vật chất còn thiếu và không phù hợp: việc dạy ngôn ngữ cho trẻ có nhu cầu đặc biệt cần được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi và đặc thù hơn so với việc dạy trẻ bình thường. Tuy nhiên, về cơ bản, các trường mầm non hầu như không/ chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện dạy học cho đối tượng này, đặc biệt là đối với trẻ khuyết tật, hầu nhu không/ chưa có phòng/ giờ dạy hỗ trợ thêm, cũng một phần là do số lượng trẻ học hòa nhập ở đây quá ít, mà kinh phí chi cho một phòng/ giờ học riêng với các trang thiết bị riêng lại quá tốn kém.

Đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu: hầu hết các trường có trẻ khuyết tật học hòa nhập, giáo viên đều không được đào tạo bài bản hoặc thiếu kĩ năng làm việc với trẻ KT. Thường thì giáo viên chỉ được đào tạo dạy trẻ bình thường, lấy kinh nghiệm dạy trẻ bình thường để dạy trẻ khuyết tật nên dẫn đến tình trạng chính giáo viên cũng ngại giao tiếp với trẻ và chưa có sự quan tâm đúng mức, phù hợp với trẻ.

Các giáo viên dạy ở vùng dân tộc thiểu số thậm chí còn không biết tiếng dân tộc. Thường là khi nhận công tác về bản, giáo viên mới tự học, hoặc là học qua chính phụ huynh, học sinh trong lớp, biết từ nào hay từ ấy nên việc giao tiếp với trẻ rất hạn chế. Hầu như mỗi lớp học chỉ có một cô giáo. Mặt khác, do số cháu ở vùng núi cao ít, phòng học và đội ngũ giáo viên cũng thiếu thốn nên hiện tượng lớp ghép độ tuổi và ghép trình độ là khá phổ biến. Điều này không chỉ dẫn tới tâm lí người học không thoải mái mà còn gây nhiều khó khăn cho người dạy.

Tài liệu  thiếu và chưa đến tay người dạy

Giáo viên dạy những đối tượng này ít được dự các lớp tập huấn kĩ năng dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, kĩ năng phát triển ngôn ngữ cho trẻ em có khuyết tật. Tài liệu dùng để dạy và bồi dưỡng cho giáo viên còn rất thiếu. Chủ yếu các cô phải mày mò, tự biên, tự diễn để có thể giao tiếp được với các cháu. Chính vì vậy, kết quả của việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ rất hạn chế, hoàn toàn phụ thuộc vào sự cố gắng của giáo viên.

Để giải quyết những khó khăn trên, cần có những giải pháp đồng bộ và cụ thể, giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt phát triển ngôn ngữ, cũng là mở cánh cửa cho trẻ vào tương lai sau này./.