Tin mới nhất
Thời gian phục vụ năm học 2023-2024
THÔNG BÁO Căn cứ Kế hoạch năm học 2023-2024, Thư viện thông báo thời gian phục vụ tại hai cơ sở (Quận 9 và Quận 10) như ...
ĐĂNG NHẬP
HƯỚNG DẪN LIÊN KẾT CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC VỀ VẬT CHÌM VẬT NỔI DO NẶNG NHẸ
Hướng dẫn liên kết các hoạt động khám phá khoa học về vật chìm vật nổi do nặng nhẹ / Hồ Thị Tường Vân // Tạp chí Giáo dục mầm non.- Số 4,2013. - Tr.8 - 9
HỒ THỊ TƯỜNG VÂN
Trường CĐSPTW TP.Hồ Chí Minh
Khám phá khoa học là một trong những hoạt động hứng thú, hấp dẫn trẻ mầm non. Nội dung khám phá khoa học về thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật là một phần nội dung trong chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên, hoạt động này trong trường mầm non thường được giáo viên tổ chức dựa theo nội dung chủ đề mà chưa chú ý đến sự liên kết, mối liên hệ giữa các hoạt động khám phá khoa học với nhau. Vì vậy, các hoạt động này chưa giúp trẻ vận dụng được những hiểu biết, kỹ năng khám phá ở hoạt động này sang hoạt động tiếp theo, dẫn đến tình trạng hoạt động rời rạc, chưa phát huy tối đa khả năng của trẻ trong lĩnh vực khá mới mẻ này.
Bài viết này gợi ý một số hoạt động khám phá khoa học dành cho trẻ 5 - 6 tuổi, góp phần hình thành kỹ năng tự nhận thức cho trẻ như dự đoán, suy luận, xác định và kiểm soát điều kiện tác động của trẻ.
Hoạt động 1: Vật chìm - vật nổi
Mục đích: Tìm hiểu khả năng nhận thức của trẻ về vật chìm - vật nổi.
Rèn luyện kỹ năng quan sát, dự đoán.
Chuẩn bị: Thau nước, các vật chìm - nổi khi cho vào nước do độ nặng - nhẹ của nó như muỗng inox, khối gỗ, cục đất sét, lá cây khô…
Hình thức: tổ chức theo nhóm trẻ (5 trẻ).
Cách tiến hành:
Bước 1: Giáo viên đưa các đồ vật đã chuẩn bị ra trước mặt trẻ, lần lượt hỏi:
- Đây là đồ vật gì?
- Đồ vật này bằng chất liệu gì?
- Cầm vật này con thấy như thế nào?
- Chúng ta có thể làm gì với chậu nước và những đồ vật này?
- Nếu làm như vậy thì điều gì sẽ xảy ra?
Bước 2: Cho trẻ tự thực hiện. Giáo viên hỏi để trẻ tự đưa ra kết luận: vật nặng thì chìm, vật nhẹ thì nổi.
Hoạt động 2: Không khí làm nổi vật chìm
Mục đích: Tìm hiểu khả năng nhận thức của trẻ về vật chìm - vật nổi
Rèn luyện kỹ năng quan sát, suy luận, phán đoán, xác định và kiểm soát điều kiện tác động.
Chuẩn bị: Thau nước, muỗng inox, muỗng nhựa, bịch nilon, thun.
Hình thức: Tổ chức theo nhóm nhỏ (5 trẻ).
Cách tiến hành:
Bước 1: Như hoạt động 1
Bước 2: Cho trẻ tự thực hiện. Giáo viên hỏi để trẻ tự đưa ra kết luận: muỗng nhựa thì nổi, muỗng inox thì chìm.
Bước 3:
- Hỏi trẻ: Muốn để cái muỗng inox nổi lên thì phải làm như thế nào?
Theo con, tại sao làm như vậy thì cái muỗng inox sẽ nổi lên?
- Gợi ý để trẻ cho muỗng vào bịch nilon và thổi dây hơi. Cho trẻ thực hiện. Giáo viên hỏi để trẻ tự đưa ra kết luận: trong bịch nilon có không khí, không khí trong bịch nilon làm cho cái muỗng inox trong bịch nilon nổi lên mặt nước.
Hoạt động 3: Làm nổi cục đất sét
Mục đích: Giúp trẻ hiểu được hình dạng là yếu tố làm cho một vật chìm hay nổi.
Hình thành và phát triển các kỹ năng nhận thức thông qua hoạt động khám phá khoa học, kỹ năng nhận biết vấn đề và giải quyết vấn đề.
Chuẩn bị: Đất sét (đất nặn) đủ cho trẻ, thau nước
Hình thức: tổ chức theo nhóm lớn (7 - 8 trẻ/nhóm), một lần có 2 nhóm hoạt động.
Cách tiến hành:
Bước 1: Như hoạt động 1.
Bước 2: Cho trẻ tự thực hiện. Giáo viên hỏi để trẻ tự đưa ra kết luận: đất sét cho vào thau nước thì bị chìm vì đất sét nặng.
Bước 3:
- Hỏi trẻ: Muốn cục đất sét nổi lên mặt nước phải làm thế nào? Theo con, tại sao khi làm như vậy thì đất sét sẽ nổi lên?
- Gợi ý để trẻ ấn bẹt cục đất sét và bẻ cong mép. Cho trẻ đặt vào chậu nước và quan sát. Giáo viên hỏi và để trẻ tự đưa ra kết luận: muốn đất sét nổi thì phải thay đổi hình dạng của nó bằng cách làm cho nó mỏng, dẹp và có viền cong xung quanh, giống chiếc thuyền.
Bước 4: Cho trẻ ghi lại kết quả thực hiện bằng cách vẽ ký hiệu biểu trưng.
Hoạt động 4: Làm chìm một vật nổi
Mục đích: giúp trẻ hiểu được muốn làm một vật chìm hay nổi, có thể thay đổi tạm thời hình dạng, chất liệu và trọng lượng của vật đó.
Hình thành và phát triển các kỹ năng nhận thức thông qua hoạt động khám phá khoa học, kỹ năng nhận biết vấn đề và giải quyết vấn đề.
Chuẩn bị: muỗng nhựa, bịch nilon, thun, sỏi hoạc mảnh kim loại nặng.
Hình thức: tổ chức theo nhóm lớn (7 - 8 trẻ/ nhóm), một lần có hai nhóm hoạt động.
Cách tiến hành:
Bước 1: Như các hoạt động trên
Bước 2: Cho trẻ thực hiện. Giáo viên hỏi để trẻ tự đưa ra kết luận: muỗng nhựa cho vào thau nước thì nổi vì muỗng nhựa nhẹ hơn nước.
Bước 3:
- Hỏi trẻ: muốn cho cái muỗng nhựa chìm xuống đáy thau nước thì phải làm như thế nào? Tại sao khi làm như vậy thì muỗng nhựa sẽ bị chìm?
- Gợi ý để trẻ buộc thêm viên sỏi, khúc gỗ cho trẻ tự thực hiện. Giáo viên gợi ý để trẻ tự đưa ra kết luận: muốn làm cho một vật nổi bị chìm xuống thì phải thay đổi hình dạng hoặc thay đổi trọng lượng của nó bằng cách cột thêm vật khác vào như viên sỏi, mảnh kim loại nặng, thêm nước.
Bước 4: Cho trẻ ghi lại kết quả thực hiện bằng cách vẽ ký hiệu biểu trưng.
Như vậy, chỉ với những vật dụng vô cùng đơn giản, dễ tìm, bốn hoạt động khám phá khoa học trong cùng một chủ đề Đồ vật quanh bé hoặc chủ đề Nước nhằm làm phong phú hơn vốn kiến thức của trẻ cũng như hình thành và rèn luyện những kỹ năng nhận thức cho trẻ 5 - 6 tuổi trong mối liên hệ với nhau về nội dung, hoạt động này là cơ sở để có thể thực hiện hoạt động kế tiếp. Điều quan trọng là giáo viên chỉ dẫn những kiến thức, kỹ năng để trẻ có thể kết nối, liên hệ… giải quyết các nhiệm vụ trong quá trình thử nghiệm, khám phá. Mặt khác, khi trẻ thử nghiệm, cần cho trẻ thời gian thao tác và suy nghĩ trả lời, tôn trọng những phát hiện, diễn đạt của trẻ. Đặc biệt, khi kết thúc thử nghiệm, giáo viên cần diễn đạt những kiến thức khoa học một cách chính xác, đơn giản và tự nhiên, không gò ép trẻ.