Thứ Ba, 10-03-2015 | 17:10

THỰC TIỄN VIỆC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TẠO HÌNH CHO TRẺ Ở TRƯỜNG MẦM NON HOA HỒNG

Thực tiễn việc tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ ở trường mầm non thực hành Hoa Hồng / ThS. Đào Thị My // Tạp chí Giáo dục Mầm non.- Số 1/2014.- Tr.: 20 – 21

                                                                       ThS. Đào Thị My

                                Trường MN thực hành Hoa Hồng – Trường CĐSPTW

Tạo hình là một trong những hoạt động giáo dục giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển và hoàn thiện nhân cách trẻ mầm non. Dưới sự giúp đỡ của giáo viên, trẻ được tham gia các hoạt động tạo hình: vẽ, nặn, xé dán, cắt, đồ, chắp ghép... dưới nhiều hình thức khác nhau.

Qua hoạt động trực tiếp với những nguyên vật liệu phong phú, đa dạng trẻ không những tạo nên những “tác phẩm nghệ thuật” ngộ nghĩnh đáng yêu mà hơn hết là trẻ được trải nghiệm những xúc cảm chân thực trong quá trình trẻ chơi, quá trình trẻ tạo ra sản phẩm đó. Những xúc cảm nghệ thuật đầu đời sẽ là nền tảng cho sự hình thành và phát triển nhân cách và thúc đẩy nhu cầu thẩm mỹ, phát triển thị hiếu thẩm mỹ của trẻ trong giai đoạn tiếp theo. Giáo viên mầm non giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển khả năng thẩm mỹ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của trẻ, giúp trẻ cảm thụ cái đẹp, góp phần phát triển mạnh mẽ tư duy, trí tưởng tượng của trẻ.

Ở trường mầm non Tạo hình là hoạt động thường xuyên và được lồng ghép trong các hoạt động khác nhau, vào các thời điểm sinh hoạt khác nhau: hoạt động ngoài trời; hoạt động góc; giờ điểm danh; giờ sinh hoạt sáng; sinh hoạt chiều. Để tổ chức hoạt động Tạo hình cho trẻ đạt hiệu quả, giáo viên phải sáng tạo không ngừng để kích thích sự hứng thú tham gia hoạt động của trẻ. Giáo viên cần linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp và biết cách khơi gợi sự tích cực, chủ động của trẻ.

Thực tiễn tổ chức hoạt động tạo hình của trẻ ở trường MN thực hành Hoa  Hồng:

-      Giáo viên trường mầm non thực hành Hoa Hồng luôn quan tâm tìm hiểu nhu cầu, hứng thú của trẻ trong lớp trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động phù hợp từ khâu soạn giáo án, chuẩn bị nguyên vật liệu đến đánh giá kết quả.

-      Trong tổ chức cho trẻ hoạt động tạo hình giáo viên phối hợp với phụ huynh trong việc huy động các nguồn nguyên vật liệu đa dạng, phù hợp, đặc biệt là vận dụng tối đa các nguyên vật liệu tái sử dụng phát huy tính thực hành tiết kiệm và góp phần bảo vệ môi trường.

-      Để tổ chức hoạt động tạo hình hiệu quả giáo viên đặc biệt quan tâm đến tổ chức môi trường phù hợp cũng như quan tâm đến việc cung cấp kiến thức, kĩ năng giúp trẻ tự tin, sáng tạo thể hiện hoạt động.

Ví dụ: Chắp ghép đàn cá bằng những nguyên vật liệu khác nhau (lá khô, vỏ cây khô, vỏ ốc, bông, hạt đỗ, rong, rêu khô...). Trước đó giáo viên cho trẻ khám phá về cá, tìm hiểu môi trường sống, quá trình hoạt động của cá, màu sắc, hình dạng của các loài cá trong các giờ hoạt động khác nhau, dưới nhiều hình thức khác nhau: qua video clip, qua mạng... Việc chuẩn bị nguyên vật liệu để tổ chức hoạt động cũng được tiến hành trước đó 4-5 ngày. Giáo viên huy động sự tham gia của trẻ: nhặt lá, cây, vỏ sò, vỏ ốc, hạt đỗ, bút sáp, màu nước... Tiếp đến cô làm một số bức tranh để trẻ có thể quan sát và tham khảo cách thể hiện.

Khi tiến hành, cô giáo dẫn dắt trẻ vào bài làm sao để trẻ hứng thú và dâng tràn cảm xúc, thỏa sức sáng tạo trong bức tranh để mỗi tác phẩm của trẻ mang đậm dấn ấn tâm hồn, tình cảm của trẻ.

Tuy nhiên, trong tổ chức hoạt động Tạo hình đa số giáo viên mầm non Hoa Hồng còn gặp một số vấn đề như:

-      Giáo viên còn gặp khó khăn trong việc phối hợp về màu sắc trong tạo hình, cụ thể như: màu sắc còn chưa hài hòa, chưa kích thích trẻ sáng tạo thẫm mỹ; Xây dựng bố cục các mảng tường, tranh chưa chặt chẽ, hợp lý, logic, tính thẩm mỹ còn bị hạn chế; Bên cạnh đó việc kết  hợp các màu cơ bản để trang trí góc, nhóm, chủ đề, và “vật mẫu” đôi chỗ còn chưa phù hợp.

-      Việc sử dụng các chi tiết, nguyên vật liệu, màu sắc tạo hình đôi khi còn tản mạn và thiếu sự tập trung điều này chính là một trở ngại ảnh hưởng đến sự tri giác và hoàn thành trọn vẹn “tác phẩm nghệ thuật” cũng như kích thích được khả năng sáng tạo ở trẻ.

-      Nhận xét, đánh giá sản phẩm hoạt động tạo hình của trẻ còn nặng về tính hình thức cũng như còn thiếu các ý tưởng và khiếu thẩm mỹ, từ đó chưa khích lệ được tính tích cực, sáng tạo ở trẻ.

Hoạt động tạo hình cho trẻ ở trường mầm non giữ vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp trẻ hình thành nhân cách. Để tổ chức hoạt động Tạo hình đạt hiệu quả giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hướng dẫn trẻ hoạt động, giáo viên cần:

-      Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng chuyên môn Tạo hình.

-      Lựa chọn cách thức vào bài phù hợp về mặt nội dung, hình thức cũng như thời gian để phân chia dành thời gian để trẻ hoạt động, lựa chọn nguyên vật liệu, chi tiết, màu sắc phù hợp với trẻ để khai thác sự sáng tạo, hứng thú để trẻ hoàn thành “tác phẩm”.

-      Nhận xét đánh giá cần mang tính khuyến khích, đông viên, hiểu ý tưởng của trẻ và công nhận những nỗ lực trẻ làm được.

-      Tuyên truyền sâu rộng đến cha, mẹ, phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức về ý nghĩa của hoạt động Tạo hình đối với sự phát triển và hoàn thiện nhân cách trẻ mầm non./.