Thứ Ba, 10-03-2015 | 17:33

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ SỰ SẴN SÀNG HỌC ĐỌC VÀ VIẾT CỦA TRẺ MẪU GIÁO 5 - 6 TUỔI

Một số vấn đề về sự sẵn sàng học đọc và viết của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi / ThS. Lường Thị Định // Tạp chí Giáo dục.- Số 336 (6/2014).- Tr.:16 - 18.

                                                 ThS. LƯỜNG THỊ ĐỊNH

                                                  Trường Đại học Tây Bắc

1.   Khả năng tiếp thu vốn từ là chỉ số quan trọng đo lường sự phát triển về ngôn ngữ và nhận thức của trẻ, đồng thời đánh giá mức độ sẵn sàng bước vào môi trường học chính thức. Từ vựng nối kết quá trình xử lý ngữ âm cấp từ với quá trình nhận thức và học hiểu. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ trước tuổi đi học với khả năng đột phá học tập cũng như kĩ năng (KN) giao tiếp và KN xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những đứa trẻ có vốn từ vựng lớn sẽ có khả năng đọc rộng, hiểu nhiều và dễ dàng học hiểu những bài giảng trên lớp của giáo viên, đồng thời huy động được một lượng từ ngữ phong phú trợ giúp cho quá trình động não.

Giai đoạn đầu đời là giai đoạn tạo tiền đề quyết định cho trẻ trước tuổi đi học. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ qua lại giữa sự phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết sớm. Trẻ học hỏi những KN quan trọng để đọc, viết kể từ lúc mới sinh ra và thành công của cấp học đầu tiên phần lớn phụ thuộc và trẻ đã học được nhiều hay ít trước khi bước vào học chính thức. Trong giáo dục mầm non, khi bàn về vấn đề cho trẻ làm quen với đọc, viết, trước hết cần phải trả lời được các câu hỏi sau: trẻ cần học và làm cái gì trước khi đến trường học? Trẻ cần nhận được cái gì trước khi đến trường học? Trẻ cần nhận được gì trong việc cho trẻ làm quen với đọc, viết? Cần chú trọng điều gì: nhận thức hay động cơ? Hay cả hai?

Việc lĩnh hội kí hiệu ngôn ngữ hay công cụ tư duy và phương tiện của giao tiếp ở trẻ nhỏ liên quan đến cả ngôn ngữ nói và viết. Trẻ vẽ, viết nghệch ngoạc và “đọc” các dấu hiệu đó bằng cách gắn cho chúng những “ý” qua trò chuyện và hành động. Trẻ nghe đọc truyện và học cách ứng xử với sách, chữ viết, những quy ước cơ bản về cách cầm sách và hướng đọc từ trên xuống dưới, từ trái qua phải của tiếng Việt. Khi hướng dẫn trẻ phối hợp tay và mắt, viết các từ, chữ trên trang giấy, chúng ta cần chỉ cho trẻ thấy chữ viết ra là để đọc và chúng đều có nghĩa nào đó. Nói cách khác, việc đọc, viết ban đầu của trẻ xuất hiện và phát triển trong sự phát triển ngôn ngữ nói, qua giao tiếp và trò chuyện. Trẻ nhỏ cần tiếp cận với viết để đọc, cần tiếp cận với đọc để học viết và trẻ cần nói để học cả hai.

Tuy nhiên, trong giáo dục mầm non, theo quan điểm tích hợp, đứa trẻ được nhìn nhận như một thực thể tích hợp, tổng thể và đứa trẻ này sống và lĩnh hội kiến thức cũng trong một môi trường tổng thể. Tất cả các yếu tố tự nhiên, xã hội và khoa học đều đan quyện vào nhau tạo thành môi trường sống phong phú của trẻ. Do đó, đối với trẻ nhỏ không có sự phân chia rạch ròi giữa môi trường tự nhiên, xã hội và khoa học. Từ nhận định này, hầu hết các nhà giáo dục đều cho rằng nên xóa bỏ ranh giới giữa các “tiết” học và giữa các nội dung giáo dục đối với trẻ. Hay nói cách khác, nội dung giáo dục trẻ phải được tiếp cận một cách tích hơp. Cách tiếp cận này cũng thể hiện trong chương trình đọc viết của trẻ, cách tiếp cận này cho rằng đọc cũng như viết, nói và nghe là các yếu tố cấu thành tạo nên tính trọn vẹn của kinh nghiệm ngôn ngữ mà trẻ lĩnh hội được trong cuộc sống.

2.   Một số quan niệm về sự sẵn sàng học đọc, viết của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

1)  Quan niệm về sự sẵn sàng đọc, viết của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi ở một số tác giả ngoài nước. Khi bàn về vấn đề học đọc, viết của trẻ mẫu giáo, có rất nhiều quan niệm khác nhau. Có hai khuynh hướng trái ngược nhau về việc đưa chương trình đọc, viết vào trường mẫu giáo. Trường mẫu giáo truyền thống ở nhiều nước những năm 1870 - 1892 hoàn toàn phản đối việc làm quen và dạy trẻ KN học tập, trong đó có KN đọc, viết. Wiggiw, nhà giáo dục nổi tiếng thời đó cho rằng đứa trẻ 4 hay 5 tuổi vẫn chỉ hứng thú với đồ vật và các vật cụ thể chứ chưa “sẵn sàng” để học đọc và viết (1; tr.22). Nhưng vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi đi tìm nguyên nhân dẫn đến sự sa sút trong thành tích học tập của học sinh những năm đầu phổ thông, một số người cho rằng kết quả tồi tệ đó một phần là do trẻ không được chuẩn bị tốt ngay từ trường mẫu giáo. Cùng với sự ra đời của cuốn  “Dạy con nhỏ của bạn tập đọc” của Glen Doman, việc làm quen và dạy trẻ các KN học tập ở trường mẫu giáo được coi là giải pháp tối ưu để khắc phục kết quả yếu kém trong học tập của học sinh lớp 1.

Theo xu hướng này, ở nhiều thành phố nước Anh và nhiều bang của Mĩ đã bắt đầu dạy trẻ các KN học tập khi trẻ mới tròn 5 tuổi, bao gồm cả kiến thức về nhận biết các chữ trong bảng chữ cái. Sau một thời gian dài thực hiện với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta nhận ra rằng trào lưu này đã mang lại nhiều hậu quả không tốt đối với trẻ và cho rằng kết quả hay khả năng đọc của trẻ không chỉ phụ thuộc vào việc nhận biết các chữ cái và việc chuẩn bị cho trẻ đi học phổ thông phải mang tính tổng thể chứ không chỉ chú trọng vào các KN riêng lẻ. Những năm gần đây ở Mỹ, Úc… nhiều nhà giáo dục mầm non đã đưa ra quan điểm giáo dục mới, họ không phản đối việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với các KN học tập, trong đó có đọc, viết, nhưng theo họ, vấn đề quan trọng là phải đưa ra được một “chương trình chuẩn bị cho việc đọc và viết ở trẻ mẫu giáo” thích hợp, có hiệu quả, gây được hứng thú và có ý nghĩa đối với trẻ. Theo Carrol, sự bất đồng trong quan điểm về việc đọc và viết của trẻ nhỏ xuất phát từ cách hiểu khác nhau về hoạt động học về “sự sẵn sàng học đọc và viết” của trẻ và về cách tiếp cận đối với chương trình giáo dục mẫu giáo nói chung và chương trình đọc, viết cho trẻ mẫu giáo nói riêng.

Để có một hiểu biết đầy đủ về vấn đề này, cần đề cập tới khái niệm về “sự sẵn sàng đến trường” và “sự sẵn sàng học” của trẻ. Nhiều người cho rằng đây là hai thuật ngữ có cùng một nội hàm, nhưng thật ra chúng mang những ý nghĩa khác nhau. Để chuẩn bị cho trẻ cần có những kiến thức và KN gì để được coi là đã “sẵn sàng học đọc, viết”. Một số chương trình “chuẩn bị sẵn sàng cho học đọc” của trẻ được xây dựng trên cơ sở dạy âm vị cho trẻ. Cohen cho rằng, trong thực tế đã tồn tại mâu thuẫn chữ cái trước khi đến trường phổ thông có quan hệ hay ảnh hưởng đến việc học đọc của trẻ, nhưng giữa việc tổ chức dạy trẻ (cho trẻ làm quen với chữ cái) ở trường mầm non và việc học đọc của trẻ không có quan hệ hay tác đông gì đến nhau. Các nhà giáo dục giải thích nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn này như sau: động cơ nội tại hay động cơ bên trong là yếu tố quan trọng trong cả việc học chữ cái và học đọc của trẻ.

Những trẻ nào tự học để nhận biết các chữ cái trước hoặc sau khi đến trường phổ thông thường tỏ ra “sẵn sàng học đọc”; nhưng việc dạy trẻ gọi tên và tạo hình các chữ cái không có tác động gì đến các phẩm chất tâm lí (động cơ, tri thức) bên trong mà chúng ta gọi là các yếu tố của sự sẵn sàng học đọc của trẻ. Điều này có nghĩa là nếu chỉ biết các chữ cái không thôi thì chưa thể coi là đứa trẻ đã “sẵn sàng học đọc”. Theo Cohen, cần phải xét lại quan điểm đã tồn tại hàng trăm năm nay cho rằng việc dạy trẻ bảng chữ cái sẽ giúp ích cho việc học đọc của trẻ. Điều này cũng giống như nhận định của Sloan. Ông không phủ nhận tầm quan trọng của âm vị, nhưng theo ông, việc dạy trẻ lĩnh hội các kiến thức về âm vị trước các kiến thức về đọc không có tác dụng thúc đẩy quá trình học đọc của trẻ. Nghiên cứu của Elkonin, nhà giáo dục Nga trong cuốn “Đọc so sánh” cũng chỉ ra rằng dạy trẻ tên các chữ cái sẽ gây cản trở việc học đọc của trẻ.

2)  Quan niệm về sự sẵn sàng học đọc, viết của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi ở một số tác giả trong nước. Trần Trọng Thủy cũng có quan điểm tương tự như Elkonin, ông viết: “Đọc tiếng chữ cái, một hiện tượng thường gặp ở trẻ mẫu giáo sẽ gây khó khăn cho giáo viên vì sẽ phải dạy lại từ đầu” (1, tr33). Một số tác giả như Nguyễn Thị Như Mai, Đinh Hồng Thái, Nguyễn Thị Hòa… tập trung vào nghiên cứu sự sẵn sàng học đọc dưới góc độ tâm vận động, ngôn ngữ và sự chuẩn bị như thế nào cho trẻ sắp vào lớp 1.

3.   Một số biểu hiện của sự sẵn sàng học đọc, viết của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

Xuất phát từ những nhận định và quan điểm trên, ta thấy rằng các yếu tố liên quan đến việc chuẩn bị sẵn sàng cho việc đọc (tự bản thân đứa trẻ phải muốn đọc) và năng lực diễn đạt về những cái mà trẻ quan tâm, thích thú bằng các câu có nghĩa. Như vậy, trẻ thực sự sẵn sàng học đọc, viết khi có một số biểu hiện sau:

1)  Biểu hiện của sự sẵn sàng học đọc: - Hứng thú nghe kể và đọc truyện, trò chơi và đóng kịch; - Mong muốn được đọc; - Tò mò tìm hiểu các từ và chữ; - Thích thú với các trò chơi với chữ; - Trẻ biết đọc giúp ích gì cho con người? Đọc có thể làm được điều gì?; - Gọi tên và viết các chữ cái; - Nghe các vần và âm trong từ, câu; - Đánh vần những từ đơn giản; - Nhận biết và đọc được tên mình; - Nhận ra các từ mới trong thơ, truyện, bảng biểu và trò chơi; - Nghe truyện để hiểu nghĩa.

2)  Biểu hiện của sự sẵn sàng học viết: - Thích khám phá các kí hiệu và mẫu chữ khác nhau; - Trẻ biết viết giúp ích gì cho con người? Viết có thể làm được điều gì?; - Tô được các chữ cái; - Biết “viết” tên của bản thân theo cách của mình; - Biết “viết” chữ theo thứ tự từ trái qua phải, từ trên xuống dưới; - Bắt chước hành vi viết và sao chép từ, chữ cái theo cách của riêng trẻ.

4.   Một số hoạt động giúp trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi làm quen với đọc và viết

Để đảm bảo hiệu quả cho việc sẵn sàng học đọc, viết cho trẻ, cần tạo các điều kiện môi trường giáo dục, học liệu, trải nghiệm của trẻ và các hỗ trợ xã hội thích hợp. Những điều kiện cơ bản này sẽ nuôi dưỡng và thúc đẩy sự tiếp cận ban đầu của trẻ với việc học đọc, viết, giúp trẻ sẵn sàng học.

1)  Chuẩn bị việc học đọc. Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi với các học liệu giúp trẻ nhận biết các chữ cái, bao gồm: sách ABC, chữ cái nam châm, các khối gỗ hình chữ và các đồ chơi xếp hình chữ, mô hình, sơ đồ chữ cái. Tổ chức các hoạt động phát âm như: gieo vần, ghép âm.

Làm quen cách đọc các từ, câu đơn giản như hướng dẫn trẻ đọc tên trẻ, gọi tên một số đồ vật được ghi trên những đồ dùng cá nhân, bảng chữ ghi tên đồ vật thường dùng như: bút chì, giấy, góc sách…

Cha mẹ nên đọc sách cho trẻ nghe thường xuyên. Khi trẻ nghe và nhìn cách mẹ đọc sách, trẻ có thể học được những kiến thức từ nội dung sách, cách sử dụng sách và nguyên tắc đọc, hướng dẫn trẻ ý thức giữ gìn và bảo vệ sách. Cần lựa chọn những sách có hình ảnh sinh động ngoài bìa nhằm gây hứng thú cho trẻ đối với sách. Xây dựng góc đọc sách với nguồn sách và các tài liệu phong phú; Đọc lặp lại nhiều lần sách truyện mà trẻ yêu thích.

Đọc cho trẻ nghe sách kích thước lớn và chỉ vào các chữ khi đọc. Khi giới thiệu và đọc sách cho trẻ nghe, hướng sự chú ý của trẻ vào ý nghĩa của chữ như: phân biệt sự khác nhau giữa tranh vẽ và chữ; Hướng đọc và viết từ trái qua phải, từ trên xuống dưới; Những phần của sách như bìa, tên của sách, tên tác giả; Đọc đi đọc lại nhiều lần những sách mà trẻ thích nhằm khuyến khích “đọc” lại những đoạn mà trẻ nhớ.

Thông qua việc đọc sách trẻ khám phá các kí hiệu và mẫu chữ khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu các từ và chữ.

2)  Chuẩn bị cho việc học viết

Khuyến khích trẻ thực hiện các thao tác viết ban đầu, ví dụ như viết nguệch ngoạc, viết các chữ cái ngẫu nhiên, và viết sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm viết với trẻ bằng cách viết lại những gì trẻ kể, đọc; tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm viết trong hoạt động hàng ngày như: viết tên các loại thức ăn, tên đồ chơi…

Chơi các trò chơi luyện ngón tay nhằm rèn luyện vận động của các cơ nhỏ và sự khéo léo của các ngón tay, sự phối hợp tay mắt như chơi buộc dây, cài cúc, xếp hạt, chơi lăn bóng, chuyền bóng, ném trúng đích… Tổ chức các hoạt động tạo hình như vẽ tranh, nặn, xé dán, đồ, in hình, vò giấy… đặc biệt là các hoạt động có sử dụng bút, giấy như làm sách, hoàn thiện bức tranh. Hướng dẫn các trẻ biết và tích cực làm một số đồ chơi đơn giản từ nguyên vật liệu thiên nhiên.

Sự sẵn sàng học đọc và học viết là một vấn đề rất quan trọng trong hành trang chuẩn bị cho trẻ vào trường phổ thông. Sự sẵn sàng học đọc và học viết của trẻ là cơ sở để trẻ lĩnh hội tri thức, trưởng thành trong học vấn và kinh nghiệm sống, đặc biệt là sự thích ứng của trẻ trong cuộc sống xã hội hiện đại. Điều này phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của các nhà giáo dục, của cha mẹ và những người chăm sóc trẻ.□

 
   

 

 

(1)     Tạp chí Giáo dục Mầm non, số 2/năm 2013.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ GD-ĐT. Chương trình giáo dục Mầm non. NXB Giáo dục Việt Nam, H. 2009.
  2. Vụ Giáo dục mầm non. Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, H. 2012.
  3. Nguyễn Thị Hòa. Giáo trình Giáo dục học mầm non. NXB Đại học sư phạm, H. 2009.
  4. Đinh Hồng Thái. Giáo trình Phương pháp phát triển lời nói cho trẻ mầm non. NXB Đại học sư phạm, H. 2009.