Thứ Sáu, 08-04-2016 | 09:56

XỬ LÝ TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC MẦM NON

Xử lý tình huống sư phạm trong hoạt động GDMN/ Lê Thị Nhung// Tạp chí Giáo dục Mầm non.- Số 1, 2015.- Tr. 28 – 29, 31.    

                                                                          ThS. LÊ THỊ NHUNG

                                                       Khoa GDMN – Trường Đại học Sư phạm Huế

Tình huống sư phạm trong hoạt động giáo dục mầm non

Tình huống sư phạm là những sự kiện, vụ việc, hoàn cảnh có chứa căng thẳng, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà giáo dục với người được giáo dục.

Khi chăm sóc giáo dục trẻ, giáo viên mầm non cần biết tận dụng tình huống, coi tình huống sư phạm là nội dung, phương pháp, phương tiện giáo dục trẻ. Chính trong hoàn cảnh tự nhiên của các tình huống sư phạm sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận sự giáo dục, tình huống càng diễn ra tự nhiên bao nhiêu thì hiệu quả giáo dục càng cao bấy nhiêu. Do đó, giáo viên không chỉ dừng lại ở chỗ biết tận dụng các tình huống xảy ra hàng ngày mà cần tạo ra tình huống để giáo dục trẻ.

Các tình huống sư phạm trong hoạt động giáo dục mầm non rất đa dạng. Tình huống có vấn đề thường gặp đó là: theo tính chất của tình huống, có tình huống sư phạm bình thường (mức độ mâu thuẫn không lớn, người giáo dục có thể dùng những biện pháp thông thường, quen thuộc để giải quyết) như trẻ quậy phá, đánh nhau, bướng bỉnh, nói bậy, nói dối, không vâng lời… Tình huống sư phạm đặc biệt (xảy ra bất ngờ hoặc chứa đựng những mâu thuẫn mới không bình thường buộc người giáo dục phải giải quyết một cách sáng tạo, không theo những cách thức cũ) như trẻ gặp tai nạn khi tham gia hoạt động, trẻ bị thất lạc… và các tình huống liên quan đến tâm lý trẻ như những ngày đầu đến lớp (khóc, không chịu vào lớp, bỏ ăn, bỏ ngủ, không tham gia hoạt động), buồn rầu, ít cười nói, nói dối, nghịch phá bạn, xô đẩy nhau, kiêu ngạo, chậm phát triển trí tuệ…

Xử lý tình huống sư phạm trong hoạt động giáo dục mầm non

Xử lý tình huống sư phạm trong hoạt động giáo dục mầm non là việc vận dụng tri thức của giáo viên nhằm giải quyết những tình huống có vấn đề nảy sinh trong quá trình  giáo dục, buộc nó chuyển sang trạng thái ổn định, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và phát triển nhân cách trẻ.

Để xử lý tình huống sư phạm trong hoạt động giáo dục mầm non, giáo viên mầm non phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo tính giáo dục, đảm bảo bình đẳng và công bằng, ứng xử theo nhu cầu, đảm bảo tính mềm dẻo và linh hoạt, đảm bảo tính kịp thời và cần xác định tuần tự xử lý một cách khoa học.

Đối với tình huống sư phạm thông thường, có thể thực hiện xử lý theo quy trình sau:

Xác định tình huống

Nội dung của việc xác định tình huống là xác định loại tình huống, đối tượng giáo dục, chủ thể giáo dục và những người liên quan trong tình huống sư phạm cùng với các thuộc tính, phẩm chất cơ bản của họ. Trong hoạt động giáo dục mầm non, đối tượng giáo dục là trẻ mầm non, chủ thể giáo dục là giáo viên và những người liên quan đến tình huống như Ban giám hiệu, phụ huynh… Ở đây, đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng thu thập thông tin liên quan đến tình huống.

Tìm hiểu nguyên nhân

Để tìm ra nguyên nhân gây nên tình huống, giáo viên phải phân tích hoàn cảnh cụ thể diễn ra tình huống với những hiện tượng, sự kiện, hành động sư phạm, vạch ra những mối liên hệ, quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Khi phân tích tình huống, giáo viên cần chú ý đi sâu vào việc phân tích tâm lý hành vi của các chủ thể tham gia vào tình huống. Sau đó, giáo viên sẽ phân tích tâm lý động cơ của hành vi, là những kích thích tâm lý của hành vi như những nhu cầu, khát vọng, ý muốn, hứng thú, xu hướng, quan điểm của các chủ thể. Chú ý phân tích kỹ mâu thuẫn trong tình huống. Ngoài ra, giáo viên cần phân tích các đặc điểm tâm lý khác như cảm giác, trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ, tình cảm, ý chí, các phẩm chất nhân cách (xu hướng, khí chất, tính cách…). Những đặc điểm này biểu hiện trong hành vi, cử chỉ, cách nói năng, cách quan hệ cư xử trong hoạt động thực tiễn của trẻ và các đối tượng. Khi phân tích, phải lý giải các đặc điểm tâm lý được biểu hiện ở mối quan hệ với nhau trong hành vi như thế nào. Nét mặc, cử chỉ, lời nói của con người luôn phản ánh bản chất tâm lý bên trong của nhân cách. Bên cạnh đó, giọng nói và nhịp điệu giọng nói cũng thể hiện tính cách, trí tuệ, tình cảm, ý chí của con người như chủ động hay bị động, chân thành hay giả dối, vui hay buồn… Nếu giáo viên tinh tế, nhạy cảm, bình tĩnh và sáng suốt sẽ có được phán đoán đúng trạng thái cảm xúc và đặc điểm tâm lý, nhân ách của đối tượng gây nên tình huống.

Trong hoạt động của giáo viên mầm non, các nguyên nhân tạo nên tình huống thường do giáo viên chưa có tay nghề sư phạm, chưa hiểu trẻ, chưa thực sự yêu trẻ, chưa có các phương pháp giáo dục tốt … hoặc do đặc điểm tâm sinh lý riêng của từng trẻ, điều kiện sống, giáo dục… hoặc từ phía các chủ thể khác như cha mẹ ly hôn, không quan tâm giáo dục trẻ hoặc cách giáo dục chưa đúng… Vì vậy, muốn tìm hiểu chính xác nguyên nhân của tình huống, giáo viên cần có kỹ năng  xử lý các thông tin, nghiên cứu và đánh giá tình hình một cách khách quan.

Xác định nhiệm vụ

Để xác định được nhiệm vụ, giáo viên cần phân tích mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng, sự kiện, những tác động giáo dục, những ưu điểm và sai lầm, thiếu sót trong hành vi của đối tượng giáo dục cũng như những tác động sư phạm và chủ thể giáo dục.

Tìm các giải pháp

Người giáo viên có thể căn cứ các nhiệm vụ cần giải quyết để đưa ra các giải pháp khác nhau. Khi đưa ra giải pháp, giáo viên phải phân tích được các cách giải quyết đúng hay sai, vận dụng được kiến thức khoa học của giáo dục học, tâm lý học hay chưa, hiệu quả của các cách giải quyết đã phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục mầm non, đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh cá nhân, trường hợp cụ thể của trẻ trong những tình huống cụ thể… Bên cạnh đó, giáo viên cần tính đến mức độ thuận lợi và khó khăn của từng giải pháp.

Chọn cách xử lý tối ưu

Từ việc phân tích các giải pháp đã đưa ra, giáo viên lựa chọn cách xử lý tối ưu cho tình huống trên cơ sở xác định mâu thuẫn chính của tình huống. Có thể kết hợp các giải pháp khác nhau đối với tình huống sư phạm phức tạp để đưa ra giải pháp toàn vẹn nhất.

Thực hiện xử lý tình huống

Khi đã chọn được giải pháp xử lý tình huống tối ưu, giáo viên tiến hành xử lý tình huống sư phạm kịp thời nhằm đảm bảo quá trình giáo dục được diễn ra thuận lợi, đáp ứng mục tiêu chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Đối với các tình huống sư phạm mang tính chất đặc biệt, nhà giáo dục không thể tuân thủ trình tự các bước xử lý tình huống sư phạm thông thường mà cần có sự linh hoạt, sáng tạo. Ngoài ra, khi gặp những tình huống vượt quá thẩm quyền, nhà giáo dục không được tự ý giải quyết mà cần xin ý kiến của cấp trên.

Giáo viên đúc rút kinh nghiệm sau khi giải quyết tình huống giáo dục. Trong bài học sư phạm, giáo viên cũng cần đưa ra hệ thống các biện pháp để ngăn ngừa những tình huống tương tự có thể xảy ra.

Tóm lại, để giải quyết tình huống sư phạm, nhà giáo dục cần có cơ sở xử lý tình huống sư phạm, đó là hệ thống kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý trẻ, các nguyên tắc sư phạm, quy trình xử lý tình huống sư phạm… Năng lực xử lý tình huống sư phạm là hệ thống các kỹ năng sư phạm như nhận diện tình huống sư phạm, phát hiện mâu thuẫn, huy động kinh nghiệm, lựa chọn phương án, điềm tĩnh, quan tâm, tôn trọng, thận trọng lắng nghe để hiểu trẻ nhằm sáng tỏ các nguyên nhân, vận dụng các biện pháp thích hợp trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và quy trình sẽ quyết định sự thành công của nhà giáo dục khi xử lý tình huống sư phạm. Đó chính là một trong những con đường quan trọng giúp đạt được mục tiêu đề ra trong hoạt động giáo dục mầm non.

Tài liệu tham khảo

1)  Bộ Giáo dục và đào tạo, Chương trình Giáo dục mầm non, NXB Giáo dục Việt Nam. 2009.

2)  Nguyễn Tuấn Vĩnh – Lê Thị Nhung, Thực hành xử lý tình huống sư phạm mầm non, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế. 2013.