Tin mới nhất
Thời gian phục vụ năm học 2023-2024
THÔNG BÁO Căn cứ Kế hoạch năm học 2023-2024, Thư viện thông báo thời gian phục vụ tại hai cơ sở (Quận 9 và Quận 10) như ...
ĐĂNG NHẬP
CÁC TRÒ CHƠI PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC, VẬN ĐỘNG, NGÔN NGỮ, TÌNH CẢM XÃ HỘI VÀ THẨM MỸ CHO TRẺ 3 TUỔI
Các trò chơi phát triển nhận thức, vận động, ngôn ngữ, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ 3 tuổi/ Trương Thị kim Oanh// Thông tin khoa học giáo dục nhà trường và thực tiễn giáo dục.- Số 12, 2015.- Tr. 23 – 30.
Trương Thị Kim Oanh
Khoa Tâm lý học – ĐHKHXH&NV TP.HCM
PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC – BÉ TẬP TÀNH LÝ LUẬN: Khả năng khám phá nguyên nhân và kết quả của sự việc giúp bé phát triển vượt trội về tư duy logic. Khi bé được khuyến khích bày tỏ suy nghĩ của mình bởi người gần gũi với bé, khả năng ngôn ngữ và lập luận của bé sẽ ngày một chính xác và chặt chẽ hơn.
Cô giáo cần chuẩn bị
- Mẩu chuyện nhỏ “Hôm nay của Cún con”
Cún con năm nay ba tuổi. Mỗi sáng, ba mẹ đưa Cún con đến trường mẫu giáo. Cún con thích đến trường lắm vì có cô giáo dễ thương, có các bạn chơi cùng rất vui. Cún con thương ba mẹ lắm. Cún con chào tạm biệt ba mẹ, Cún con hôn má của ba mẹ trước khi bước vào lớp. Vào lớp, Cún con vẫy tay chào các bạn. Các bạn thấy Cún con cũng không quên vẫy tay chào và cười toe, có bạn còn chạy lại vỗ vai, hỏi thăm Cún con nữa.
Hôm nay vừa bước vào lớp, Cún con thấy bạn Vịt con đang ngồi ôm chiếc cặp với vẻ buồn buồn. Cún con trông thấy, liền chạy đến hỏi: “Vịt ơi, bạn làm sao vậy?”
- “Tớ quên mang theo kẹo rồi”, Vịt con ngước mắt lên, buồn đáp.
- “Tưởng gì. Tớ có kẹo nè. Ba mẹ mới mua cho tớ. Cậu ăn không?”, Cún con hiểu chuyện, mắt sáng ngời vui vẻ nói với Vịt con.
- Vịt con lúc này rạng rỡ hơn hẳn, tươi cười đáp: “Thích quá. Cậu cho tớ hả?”
- “Ừ, vì cậu với tớ là bạn mà. Có kẹo ngọt, tớ sẽ ăn cùng với cậu”, Cún con nhẹ nhàng nói.
Thế là Vịt con không còn buồn nữa. Nghe câu nói của Cún con, Vịt con vui ơi là vui, cười với Cún con bằng nụ cười tỏa nắng, khoe hàm răng sún của mình. Dễ thương ơi là dễ thương.
- Các câu hỏi sau:
- Vì sao Cún con thích đến trường?
- Cún con thể hiện tình cảm với ba mẹ ra sao trước khi bước vào lớp?
- Vì sao các bạn vẫy tay chào và cười với Cún con khi Cún con vào lớp?
- Cún con thấy gì khi bước vào lớp?
- Vì sao Vịt con buồn?
- Cún con làm gì để Vịt con không còn buồn nữa?
- Vì sao Cún con ăn kẹo cùng với Vịt con?
…
- Kẹo
Cô giáo chơi cùng bé
Bước 1: Cô giáo kể mẩu chuyện “Hôm nay của Cún con” cho các bé nghe;
Bước 2: Cô giáo nói rằng muốn nghe bé kể chuyện. Cô giáo sẽ mời một bé kể tóm tắt câu chuyện và khuyến khích các bé khác kể từng đoạn của mẩu chuyện. Ở tuổi lên 3, bé có thể nhớ được và kể lại các đoạn của một câu chuyện.
Bước 3: Cô giáo chia lớp học thành 2 đội. Cô giáo đặt các câu hỏi được gợi ý bên trên (cô giáo sáng tạo thêm). Các câu hỏi này xoay quanh loại câu hỏi “Nguyên nhân – Kết quả”. Đội nào giơ tay nhanh hơn sẽ được trả lời.
Bước 4: Cô giáo vỗ tay (các bé còn lại sẽ làm theo) khi bé trả lời xong. Cô giáo phản hồi tích cực với bé như: “A, con giỏi quá/ Trả lời hay quá/ Tuyệt quá, còn điều gì nữa không con?...”.
Bước 5: Cô giáo tổng kết câu trả lời của 2 đội và khen thưởng đội thắng với mỗi thành viên là 2 cục kẹo. Sau khi phát thưởng, cô giáo nhắc lại câu của Cún con với Vịt con: “Có kẹo ngọt, tớ sẽ ăn cùng cậu”. Và khuyến khích các bạn đội thắng chia sẻ kẹo với các bạn đội khác.
Cô giáo và gợi ý
- Cô giáo đặt câu hỏi và khuyến khích bé trả lời. Sự lắng nghe chân thành, phản hồi tích cực của cô giáo bằng cách khen ngợi, thể hiện sự tôn trọng với những chia sẻ, trả lời của bé sẽ giúp bé tự tin, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình.
PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG - TAY BẮT BÓNG CỪ KHÔI: Điều khiển khéo léo các ngón tay và bàn tay, phối hợp vận động tốt hơn giữa tay và mắt là hai trong số những đặc điểm vận động đặc trưng của bé lên ba. Bên cạnh đó, khả năng di chuyển của hai chân với bước đi vững chắc, thăng bằng tốt và chạy nhảy nhanh nhẹn hơn giúp bé có cơ hội khám phá không gian nhiều hơn. Bằng cách tập bắt bóng, bé sẽ nâng cao phối hợp giữa mắt, tay và chân.
Cô giáo cần chuẩn bị
- Nhạc sôi động để “làm nóng” trước khi bắt đầu trò chơi
- Quả bóng to. Số lượng bóng bằng một nửa số bé trong lớp
- 2 sọt rác bằng nhựa khác màu để đựng bóng và phân biệt đội này với đội kia
- 1 sợi dây dài khoảng 1 – 1.5m có màu sắc sặc sỡ (đỏ, vàng, …) để làm vạch phân cách
- Kẹo bánh
Cô giáo chơi cùng bé
Bước 1: Cô giáo tập hợp các bé lại thành hình vòng tròn với cô giáo là tâm vòng tròn. Cô giáo bật nhạc đã chuẩn bị và cả lớp cùng hát theo. Cô giáo vỗ tay, di chuyển nhanh chậm, cùng (ngược) chiều kim đồng hồ và các bé làm theo.
Bước 2: Cô giáo chia cả lớp thành 2 đội và yêu cầu mỗi đội thảo luận để đặt tên cho đội mình trong 5 phút. Cùng lúc đó, cô giáo chia khoảng phòng thành 2 phần, ngăn cách nhau bằng sợi dây đã chuẩn bị. Một bên là sọt chứa đầy bóng, một bên là sọt không chứa bóng.
Bước 3: 2 đội giới thiệu tên đội và oẳn tù xì, đội nào thắng sẽ là đội ném bóng, đội còn lại sẽ bắt bóng.
Bước 4: Cô giáo tập hợp và phổ biến luật chơi như sau:
- Mỗi đội xếp thành một hàng
- Lần lượt từng thành viên của mỗi đội lên đảm nhiệm vai trò: Người ném bóng (đội thắng) – người bắt bóng (đội còn lại). Người ném bóng đứng đúng vạch đã chia, người bắt bóng đứng cách vạch 1m. Sọt của mỗi đội được đặt kế bên với người ném/ bắt bóng.
- Khi cô giáo đếm và hô hiệu lệnh: “1… 2… 3 Ném” thì người ném bóng bắt đầu ném. Bắt được bóng, người bắt bóng cho bóng vào sọt của đội mình. Không bắt được bóng, người bắt bóng cho bóng vào sọt của đội bạn.
Bước 5: Lượt chơi kết thúc khi các thành viên của mỗi đội đều tham gia vai trò của mình. Kết thúc lượt chơi, cô giáo tổng kết số bóng có trong sọt của đội bắt, ghi chép lại. Sau đó là phần chơi của đội tiếp theo.
Bước 6: Sau 3 lượt chơi, cô giáo tổng kết số bóng và công bố đội chiến thắng. Đội thắng sẽ được thưởng kẹo bánh. Đôi thua sẽ đứng trụ một chân trong 5 tiếng đếm của đội thắng.
Cô giáo và gợi ý
- Nghiên cứu chỉ ra rằng sự thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa 2 bán cầu não của não bộ đóng vai trò “chìa khóa” cho việc tối ưu hóa chức năng của não bộ đối với sự phát triển của con người. Nghiên cứu mới này chỉ ra vai trò của sự kết hợp mắt – tay trong những năm đầu đời phát triển của bé. Theo đó, vai trò này sẽ giúp bé học tập, thiết lập các liên kết xã hội thông qua những hoạt động chúng ta chơi cùng bé nhằm giúp bé tối đa hóa các tiềm năng của bản thân.
- Cô giáo có thể làm mẫu cho cách trò chơi hoạt động. Một bé sẽ xung phong là người ném, cô giáo sẽ là người bắt. Cô giáo hướng sự chú ý của các bé vào cách cô giáo đứng vào vị trí, hô hiệu lệnh và thực hiện trò chơi. Theo Vygotsky (1978), phần lớn những điều quan trọng trẻ học được diễn ra thông qua tương tác xã hội với người hướng dẫn. Người hướng dẫn có thể làm mẫu những hành vi và/ hoặc cung cấp những hướng dẫn bằng lời cho bé. Vygotsky nhắc đến những điều này như cuộc đối thoại cộng tác/ tương tác. Bé cố gắng hiểu được những hành động hoặc lời chỉ dẫn do người hướng dẫn đưa ra (thường là cha mẹ hoặc thầy cô giáo) sau đó nội hóa thông tin, sử dụng chúng để định hướng/ điều chỉnh công việc của mình.
PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ - BÉ GỌI TÊN ĐỒ VẬT: Theo nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky, ngôn ngữ phát triển thông qua những tương tác xã hội phục vụ cho những mục đích giao tiếp. Vygotsky sử dụng thuật ngữ “ngôn ngữ cá nhân” (private speech) nhằm mô tả việc sử dụng ngôn ngữ cá nhân của đứa trẻ nhằm định hướng hành vi, vượt qua chướng ngại và đạt được những kỹ năng mới thông qua sự độc thoại nội tâm bằng lời của đứa trẻ (nói thầm).
Tận dụng khả năng có thể sử dụng câu có từ 3 – 4 từ của bé khi lên ba cũng như khả năng nhớ tên các đồ vật quen thuộc với cuộc sống thường ngày của bé, cô giáo cùng bé học cách gọi tên các đồ vật một cách thành thạo, giúp bé phát triển vốn từ qua giao tiếp với cô giáo và bạn cùng lớp
Cô giáo cần chuẩn bị
- Các món đồ vật quen thuộc với bé, như: quả bóng, bàn học, ghế ngồi, bảng, bút, tập tô màu, …
- Tranh (ảnh) có màu minh họa các đồ vật đã chuẩn bị.
Cô giáo chơi cùng bé
Bước 1: Cô giáo bày các món đồ trước mặt các bé. Hãy đảm bảo rằng các đồ vật này quen thuộc với các bé và các bé đều được ngồi ở vị trí dễ quan sát đồ vật và cô giáo.
Bước 2: Cô giáo giới thiệu với các bé từng món đồ vật. Cô giáo có thể làm theo trình tự sau: Giơ tranh (ảnh) minh họa về món đồ cô giáo muốn giới thiệu với các bé – Cô giáo nói và chỉ tay vào hình: “Đây là quả bóng” – Cô giáo chuyển tay từ hình sang đồ vật cụ thể được bày trước mặt các bé – Cô giáo lặp lại: “Đây là quả bóng” và nhấc quả bóng lên cao.
Bước 3: Cô giáo hỏi các bé “Đây là gì?” khi lần lượt chỉ tay vào hình và đồ vật cụ thể. Mỗi khi các bé đáp lại câu hỏi, cô giáo khen ngợi các bé.
Bước 4: Sau khi đã giới thiệu các đồ vật được chuẩn bị. Cô giáo mời các bé xung phong thực hành bằng cách chỉ tay vào hình và đồ vật kèm câu hỏi để các bé trả lời. Ở mỗi lần trả lời đúng, cô giáo và các bé còn lại cho bé trả lời một tràng pháo tay khích lệ.
Cô giáo và gợi ý
Ở bước 4, cô giáo điều chỉnh tốc độ nhanh chậm mỗi khi chỉ và hỏi bé. Sự bất ngờ từ việc chỉ vào món đồ và đặt câu hỏi của cô giáo sẽ khiến bé có những phản ứng linh hoạt với tình huống và trò chơi càng thêm thú vị, hào hứng. Bên cạnh đó, cô giáo có thể mở rộng trò chơi bằng cách đặt thêm câu hỏi về công dụng của đồ vật và hướng dẫn cho các bé.
PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM XÃ HỘI – HÔM NAY BÉ LÀ BA/ LÀ MẸ: Như đã đề cập về ngôn ngữ cá nhân, Vygotsky (1987) cho rằng ngôn ngữ cá nhân không đơn thuần gắn liền với hoạt động của trẻ mà còn hoạt động như một công cụ được những trẻ đã phát triển sử dụng nhằm thúc đẩy tiến trình nhận thức, ví dụ như vượt qua các khó khăn trong nhiệm vụ, củng cố trí tưởng tượng, tư duy và nhận thức ý thức. Trẻ sử dụng ngôn ngữ cá nhân thường xuyên nhất khi thực hiện những nhiệm vụ có mức độ khó trung bình vì các em cố gắng tự điều chỉnh bằng cách lên kế hoạch và tổ chức suy nghĩ của mình bằng lời nói (Winsler và cộng sự, 2007).
Sau đó, tần suất và nội dung của ngôn ngữ cá nhân có tương quan với hành vi hay năng lực. Ví dụ, ngôn ngữ cá nhân có vẻ có liên quan về mặt chức năng đến năng lực nhận thức: Nó xuất hiện vào những lúc gặp nhiệm vụ khó khăn. Đó là những nhiệm vụ gắn liền với chức năng điều hành (Fernyhough & Fradley, 2005), giải quyết vấn đề (Behrend và cộng sự, 1992), bài tập trên lớp bằng hai thứ tiếng (Berk & Landau, 1993), và toán học (Ostad & Sorensen, 2007). Nghiên cứu chỉ ra rằng ngôn ngữ cá nhân của trẻ thường đạt đỉnh vào lúc trẻ 3 – 4 tuổi, giảm dần lúc 6- 7 tuổi, và phai nhạt đều đặn cho đến khi được nội hóa phần lớn lúc 10 tuổi (Diaz, 1992).
Bằng cách tạo cho bé môi trường để hoạt động và thực hiện hành vi của mình thông qua hoạt động đóng vai làm ba (đối với bé trai), làm mẹ (đối với bé gái), bé sẽ vận động trí tưởng tượng của mình trong hoạt động đóng vai, lên kế hoạch và tổ chức suy nghĩ của mình bằng lời nói để đảm nhận vai trò. Cô giáo và các bé sẽ có dịp khám phá bản thân khi mình là một ông bố, bà mẹ.
Cô giáo cần chuẩn bị
- 2 tấm biển vẽ hình người cha, người mẹ. Hai tấm biển này sẽ được đội lên đầu của bé khi tham gia trò chơi. Ở tuổi lên 3, bé có thể nhận biết sự khác nhau giữa trai và gái;
- Các món đồ khi đến trường của bé: Nón, giày dép, cặp sách (ba lô), … và được sắp xếp ngay ngắn, bày trước mặt bé.
Cô giáo chơi cùng bé
Bước 1: Cô giáo hỏi các bé về công việc của ba và mẹ mỗi sáng trước khi đưa bé đến trường. Ở bước này, cô giáo lắng nghe câu trả lời của nhiều bé hoặc mời từng bé chia sẻ.
Bước 2: Cô giáo hỏi các bé về sự yêu thích của bé về hành động, việc làm của ba mẹ chuẩn bị cho bé mỗi sáng. Tương tự như bước 1, cô giáo tiếp tục lắng nghe các bé.
Bước 3: Cô giáo hỏi các bé có muốn thay đổi những hành động, việc làm đó không. Tiếp tục lắng nghe và mời hai bé muốn thay đổi (1 bé trai, 1 bé gái) lên và chơi trò đóng vai ba, vai mẹ cùng 1 bé (trai gái tùy vào sự xung phong của bé) đóng vai con.
Bước 4: Cô giáo hướng dẫn và phân vai cho các bé, cung cấp những món đồ đã chuẩn bị, định hướng một số việc làm, lời nói giúp bé thể hiện tròn vai hơn. Cô giáo để cho 3 bé tự thảo luận trong 5 phút.
Bước 5: Cô giáo và các bé ngồi cùng nhau và xem diễn xuất của 3 bé xung phong. Những tiếng vỗ tay sẽ rất khích lệ tinh thần diễn xuất của các bé diễn viên nhí đấy, cô giáo nhé.
Bước 6: Cô giáo tổng kết và lắng nghe suy nghĩ, cảm xúc của 3 bé cũng như khuyến khích các bé ngồi xem bày tỏ cảm nghĩ của mình.
Cô giáo và gợi ý
Để tăng tính hấp dẫn của hoạt động, cô giáo có thể mời 2 – 3 gia đình cùng đóng vai một lúc, hoặc là gia đình có 2 – 3 bé đi học mỗi sáng. Bên cạnh đó, những âm thanh từ những bài hát thiếu nhi quen thuộc như: Cả nhà thương nhau, rửa mặt như mèo, … sẽ gia tăng tính gần gũi, vui tươi của hoạt động.
PHÁT TRIỂN THẨM MỸ - HỌA SĨ NHÍ TÀI NĂNG: Trong công trình của mình từ năm 1896, mang tên “Trí tưởng tượng và sự biểu lộ” (Imagination and Expression), Dewey nhấn mạnh tầm quan trọng của điều khiển các thúc đẩy tâm lý – cung cấp những động lực cho sự biểu lộ (Dewey, 1896). Cũng trong công trình đó, ông nhấn mạnh sự khác biệt giữa ý tưởng được biểu lộ với kỹ thuật mà ý tưởng được biểu lộ. Các nhà tâm lý học như Jean Piaget và Daniel Stern trong suốt một thế kỷ qua ghi nhận rằng loài người có xuất phát điểm từ sự phối hợp vận động - cảm giác, nơi mà trẻ con thực hiện tích cực các chức năng vận động và cảm giác, khám phá và đón nhận thế giới xung quanh.
Đề cập đến sự phát triển của trẻ, bên cạnh các mặt: nhận thức, vận động, ngôn ngữ, tình cảm xã hội thì thẩm mỹ là một khía cạnh của sự phát triển toàn diện. Quan điểm của Hansjorg hohr (1998) về tính thẩm mỹ như sau: Tính thẩm mỹ đại diện cho một thế giới chất lượng, đem đến cho cuộc sống sự ý nghĩa và tính trọn vẹn. Cũng theo Hohr, thẩm mỹ là ngôn ngữ biểu tượng được thiết kế để truyền đạt ý tưởng của con người. Thẩm mỹ là hình thức biểu tưởng cảm giác, chứa đựng sự lý giải về con người, thế giới và đặt biệt hữu dụng trong việc truyền tải thông tin về cảm xúc.
Ứng dụng những quan điểm trên, cô giáo có thể hoạt động với các bé qua trò chơi phát huy sự sáng tạo, trí tưởng tượng. Hoạt động dưới đây sẽ hỗ trợ cô giáo.
Cô giáo cần chuẩn bị
- Giấy, bút màu. Số lượng, hình thức, chất liệu (màu sáp, màu dầu, màu nước,…) càng đa dạng càng tốt
- Phòng học rộng rãi, thoáng mát. Bàn ghế được xếp ngay ngắn và có khoảng không gian để những bé thích ngồi bàn ghế hay những bé thích nằm trên sàn nhà dễ lựa chọn
- Bảng, hồ dán, băng keo, kéo để bé dán tranh của mình lên (nếu bé muốn dán) hoặc dây ruy – băng màu sặc sỡ giúp bé giữ chắc tranh khi được cuộn tròn
- Thiết bị chụp hình
Cô giáo chơi cùng bé.
Bước 1: Cô giáo bày các vật dụng đã được chuẩn bị và giới thiệu với các bé về hoạt động vẽ tranh.
Bước 2: Bắt đầu giờ vẽ tranh. Cô giáo khuyến khích bé vẽ bất kỳ chủ đề nào mà bé yêu thích: Gia đình, bạn bè, môi trường,… Hãy để bé tùy chọn kích thước giấy, chất liệu sử dụng cho chính bức vẽ của mình.
Bước 3: Sau khi các bé đã hoàn thành tác phẩm của mình, cô giáo tập hợp các bé thành vòng tròn, khuyến khích bé giới thiệu tác phẩm của mình với các bạn trong lớp. Các câu hỏi của cô giáo thể hiện nội dung sau:
- Những nhân vật trong tranh
- Màu sắc của tranh (điều gì khiến bé dùng màu sắc này mà không là màu sắc khác?...)
- Cảm xúc của bé khi vẽ tranh.
Bước 4: Cô giáo cung cấp băng keo, hồ dán, dây ruy – băng (đã cắt thành từng đoạn dài vừa phải) để các bé có thể dán, cột tranh của mình. Cô giáo sử dụng thiết bị chụp hình để ghi lại khoảnh khắc bé cùng với tác phẩm của mình.
Cô giáo và gợi ý
Ở tuổi lên 3, bé có thể nhận biết và gọi tên một số màu sắc cơ bản như đỏ, vàng, xanh lá,… cũng như khả năng cầm bút màu, bút chì như người lớn. Cô giáo gọi tên các màu sắc có trong tranh của bé khi bé trình bày tranh của mình để bé nhớ tốt hơn các màu sắc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bennyé D. Austring, Merete C. Sorensen (2010). Aesthetics anh learning. Hans Reizels Publishers, Copenhagen.
- Retrieved Sunday January 18, 2015 from http://www. Psychologytoday.com/blog/the–athletes–way/201311/hand–eye–coordination–improves–cognitive–and–social-skills
- Retrieved Sunday January 18, 2015 from http://www.simplypsychology. org/vygotsky.html
- Retrieved Suday January 18, 2015 from http://Plato.stanford.edu/entries/dewey-aesthetics/supplement.html.