Thứ Tư, 13-07-2016 | 11:27

MỘT SỐ BÀI TẬP, TRÒ CHƠI NHẰM CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI CHỮ VIẾT

Một số bài tập, trò chơi nhằm cho trẻ làm quen với chữ viết/ Hứa Thị Lan Anh// Thông tin khoa học giáo dục nhà trường và thực tiễn giáo dục.- Số 12, 2015.- Tr. 41 – 43.

ThS. Hứa Thị Lan Anh

Khoa Giáo dục Mầm non –CĐSPTW TP.HCM

Chuẩn bị cho trẻ học chữ ở lớp Một, tạo sự chuyển tiếp giữa bậc học mầm non và tiểu học một cách khoa học và hợp lí là nhiệm vụ không thể thiếu trong công tác phát triển ngôn ngữ cho trẻ ở trường mầm non. Ngoài việc chuẩn bị thể lực, tâm thế, một số thói quen học tập… cho trẻ, chúng ta còn cần các hoạt động cho trẻ làm quen với chữ viết.

Hiện nay, nội dung cho trẻ làm quen với chữ viết đã có một số thay đổi, từ đó các hoạt động làm quen với chữ viết cũng được đổi mới đáng kể. Việc cho trẻ làm quen với chữ viết cần được thực hiện trong một môi trường ngôn ngữ phong phú, đó là sự kết hợp toàn diện giữa môi trường ngôn ngữ nói và môi trường ngôn ngữ viết [1]. Như tác giả Trần Thị Nga đã viết “Việc cho trẻ làm quen với chữ viết phải được tiến hành một cách tích hợp và tự nhiên, bắt đầu từ những ý tưởng, kinh nghiệm gần gũi và có ý nghĩa đối với trẻ”. Vì thế, chúng ta có thể cho trẻ làm quen với chữ viết thông qua các bài tập và trò chơi trên các giờ học hoặc trong các hoạt động khác như giờ chơi, giờ sinh hoạt chiều… để trẻ được trải nghiệm với hoạt động đọc, viết một cách tự nhiên.

Có nhiều bài tập, trò chơi để trẻ làm quen với chữ viết, tùy theo thời gian, nôi dung và khả năng của trẻ, giáo viên có thể lựa chọn các bài tập hoặc trò chơi phù hợp để cho trẻ làm quen với chữ viết. Khi tổ chức các trò chơi và bài tập cho trẻ làm quen với chữ viết, giáo viên nên lưu ý tổ chức thường xuyên, có tính liên tục và ở nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ sử dụng trên giờ học, các bài tập và trò chơi làm quen với chữ viết còn có thể sử dụng ở mọi lúc mọi nơi.

Dưới đây là gợi ý một vài dạng bài tập, trò chơi làm quen với chữ viết:

1. Tìm và nối chữ cái có trong từ tương ứng

Mục đích: Trẻ nhận biết và tìm các chữ cái có trong các từ khác nhau.

Chuẩn bị: Thẻ hình và thẻ chữ tương ứng, thẻ chữ cái.

Tiến hành: Cô hỏi trẻ về các hình mà cô đã chuẩn bị. Sau đó, cô đọc các từ bên dưới hình tương ứng và trẻ nhắc lại. Cô yêu cầu trẻ tìm và nối các chữ cái có trong thẻ chữ dưới các hình vào chữ cái to và in đậm tương ứng.

Lưu ý: Chúng ta có thể chuyển thành trò chơi theo nhóm hoặc bài tập cá nhân trên giờ học hoặc giờ chơi.

2. Về đúng nhà

Mục đích: Trẻ nhận ra chữ cái có trong các thẻ từ.

Chuẩn bị: Các thẻ hình có gắn các thẻ chữ tương ứng, thẻ chữ cái lớn, nhạc.

Tiến hành: Cô cho trẻ tự do chọn thẻ hình có thẻ chữ tương ứng, sau đó cô bậc nhạc cho trẻ hát và di chuyển. Khi nhạc dừng, trẻ chạy về đúng chữ cái mà thẻ từ của trẻ có.

Lưu ý: Trò chơi này trước đây giáo viên thường cho trẻ chơi bằng cách trẻ cầm thẻ chữ cái chạy về đúng chữ cái giống thẻ của mình. Điều đó, không phù hợp với hiện nay ở chỗ: giáo viên không cho trẻ nhận biết chữ cái trong các từ có ý nghĩa với trẻ.

3. Tìm và nối các từ giống nhau

Mục đích: Trẻ đọc và tìm ra những từ giống nhau.

Chuẩn bị: Các hình ảnh có từ gắn bên dưới, các thẻ từ giống và khác với thẻ từ bên dưới hình, bút lông, khăn.

Tiến hành: Cô cho trẻ quan sát các hình có từ tương ứng phía dưới, sau đó cô cho trẻ đọc các từ đó. Cô yêu cầu trẻ tìm và nối các từ giống nhau.

Lưu ý: Chúng ta có thể chuyển thành trò chơi theo nhóm hoặc bài tập cá nhân trên giờ học hoặc giờ chơi.

4. Tìm từ tương ứng với hình

Mục đích: Trẻ nhận biết và tìm ra từ tương ứng với hình, trẻ đọc thông qua hình ảnh minh họa.

Chuẩn bị: Một bài thơ có các từ được thay bằng hình ảnh tương ứng, các thẻ từ tương ứng với các hình trong bài thơ.

Tiến hành: Cô cho trẻ đọc bài thơ và các thẻ chữ mà cô đã chuẩn bị. Cô yêu cầu trẻ tìm từ tương ứng với hình trong bài thơ và gắn vào cho phù hợp.

Lưu ý: Có thể cho trẻ chơi theo nhóm hoặc cá nhân trong giờ chơi góc hoặc giờ sinh hoạt chiều…

5. Từ điển chữ

Mục đích: Trẻ nhận bết chữ cái trong các từ quen thuộc.

Chuẩn bị: 1 quyển từ điển có gắn hình và từ tương ứng được sắp xếp theo bảng chữ cái tiếng Việt, những con xúc xắc có chữ cái ở các mặt.

Tiến hành: Cô cho trẻ quan sát quyển từ điển, sau đó trẻ tung xúc xắc và tìm trang từ điển đúng với chữ cái trên mặt con xúc xắc, trẻ đọc từ bên dưới hình tương ứng.

Lưu ý: Có thể cho trẻ chơi theo nhóm hoặc cá nhân trong các giờ chơi góc, giờ sinh hoạt chiều…

Khi cho trẻ làm quen với chữ viết, chúng ta cần đặt trong mối liên hệ mật thiết với việc phát triển ngôn ngữ trọn vẹn (nghe – nói – đọc – viết). Vì thế, giáo viên nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về các chủ đề khác nhau trong cuộc sống, tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ kinh nghiệm và cảm xúc, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động đọc – viết một cách tích cực, tự nhiên và thường xuyên./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Phương Nga (2012), Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non, Nxb Đại học Sư phạm TP.HCM.
  2. Trần Thị Nga (2003), “Khả năng tích hợp của việc cho trẻ làm quen với chữ viết”, Kỉ yếu Hội thảo khoa học.