Tin mới nhất
Thời gian phục vụ năm học 2023-2024
THÔNG BÁO Căn cứ Kế hoạch năm học 2023-2024, Thư viện thông báo thời gian phục vụ tại hai cơ sở (Quận 9 và Quận 10) như ...
ĐĂNG NHẬP
LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC GIÚP TRẺ MẦM NON PHÁT TRIỂN HỨNG THÚ ĐỌC VIẾT.
Làm quen với đọc viết và hoạt động giáo dục giúp trẻ mầm non phát triển hứng thú đọc viết/ ThS. Trần Thị Nga//Tạp chí Giáo dục Mầm non.- Số 2/2010.
TS.Trần Thị Nga (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương)
Làm quen với đọc viết đối với trẻ mầm non bao gồm : (1) việc hiểu và biết sử dụng các ký hiệu ngôn ngữ (ký tự) trong đời sống; (2) biểu hiện thái độ tích cực với việc đọc viết; (3) hiểu được mục đích sử dụng chữ viết của con người; (4) biểu hiện của các hành vi ban đầu của người đọc và viết; (5) đọc viết ban đầu.
1. Làm quen với việc viết
Cho trẻ làm quen với chữ viết, trước hết phải dựa trên kinh nghiệm nói của trẻ. Trẻ học đọc và viết gần giống như trẻ học nói và nghe. Khi nói và nghe trẻ phải thiết lập được mối liên hệ giữa âm thanh trong câu nói và nghĩa của nó (sự vật hiện tượng mà ngôn ngữ nói biểu đạt). Còn khi học đọc và viết trẻ phải tạo được mối liên hệ giữa ngôn ngữ nói (âm thanh), cái mà trẻ đã biết với ngôn ngữ viết (ký tự), cái mà trẻ chưa biết. Trẻ có thể học đọc và viết theo cách mà trẻ đã từng học nói và nghe. Có thể áp dụng phương pháp phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ để cho trẻ làm quen với đọc, viết một cách hiệu quả.
Việc cho trẻ làm quen với đọc, viết trước hết phải hình thành ở trẻ :
Thái độ tích cực với việc đọc và viết.
Hứng thú, nhu cầu và năng lực biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của bản thân bằng ngôn ngữ viết.
Năng lực hiểu nghĩa các ký hiệu chữ viết, tức là biết khớp đúng một từ, một câu trong ngôn ngữ nói với một từ, một câu trong văn bản.
Việc làm quen với đọc, viết được bắt đầu bằng việc hình thành các biểu tượng và hành vi ban đầu về đọc, viết.
1.1 Biểu tượng ban đầu về chữ viết
Trẻ hiểu rằng con người sử dụng ngôn ngữ viết để biểu đạt thông tin, ý nghĩ, cảm xúc và để giao tiếp;
Trẻ có ý thức và nhu cầu sử dụng các ký hiệu chữ viết để giao tiếp về biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của bản thân;
Nhận biết và sử dụng các dấu hiệu gợi ý để đoán nghĩa của ngôn ngữ viết, nhận biết được một số đặc điểm cơ bản của sách và văn bản;
Có thái độ tích cực đối với sách qua việc lật giở các trang sách và giữ gìn sách cẩn thận; có các hành vi đọc, viết ban đầu như cầm sách và các tài liệu viết đúng chiều, “đọc” và “viết” từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.
1.2 Hiểu biết ban đầu về việc viết.
Các bước phát triển hiểu biết của trẻ về việc viết:
(1) Trẻ có biểu tượng ban đầu về ký hiệu và hiểu rằng những ký hiệu thay thế cho một điều gì đó;
(2) Chú ý đến hành động viết của người lớn;
(3) Chú ý những chữ có xung quanh trẻ: biển báo trên đường phố, trên nhãn hàng hóa, tiêu đề các bài báo, chữ viết trên các hộp các tông, chữ trong sách, trên biển quảng cáo… Việc trẻ cố gắng “đọc” và giải nghĩa tất cả mọi thứ là cơ sở để chuyển từ việc đánh vần đến viết ra chữ;
(4) Nhận ra rằng những ký hiệu chữ viết (ký tự) có thể dùng để viết tên của mình;
(5) Nhận biết được một số chữ, đầu tiên thường là chữ cái trong tên của trẻ, sau phân biệt được một số chữ cái khác, đặc biệt là các chữ cái đầu tiên của từ;
(6) Chú ý tới từ và nhận biết được một số từ.
Trình tự quá trình trẻ bắt chước viết:
(1) Vẽ những nét nghuệch ngoạc giống chữ viết;
(2) Vẽ những nét nghuệch ngoạc từ trái sang phải trên cùng một hàng ngang, trẻ có biểu tượng về hướng của dòng kẻ;
(3) Tạo ra những hình dạng riêng biệt trên thành dòng, thường là những hình khép kín một cách có mục đích;
(4) Sáng tạo ra những hình giống chữ cái;
(5) Viết một số chữ cái, thường là chữ in và ở vị trí ngược, quay ngược lên hoặc quay ngược xuống;
(6) Viết các từ hoặc một nhóm chữ cái với các khoảng trống ở giữa;
(7) Tự phát minh cách phát âm và minh họa những cách phát âm này bằng các chữ cái;
(8) Điều chỉnh cách phát âm từng từ ứng với các từ được viết ra (không “đọc” khoảng trống giữa các từ).
Các kỹ năng điều khiển và hiểu biết cần thiết để trẻ có thể tiếp cận với việc viết:
Khả năng điều khiển và sự phối hợp các nhóm cơ nhỏ; kỹ năng phối hợp mắt và tay;
Kỹ năng cầm bút; kỹ năng vẽ những hình cơ bản (hình tròn và đường thẳng);
Kỹ năng nhận dạng các ký hiệu và có hiểu biết về chữ cái;
Thái độ và định hướng tốt về chữ viết (mong muốn viết và giao tiếp bằng chữ viết, thích thú và cố gắng viết tên mình);
Định hướng tốt từ trái qua phải và từ trên xuống dưới;
Khả năng sắp xếp các đường nét để tạo thành chữ.
2. Làm quen với việc đọc
2.1 Hành vi đọc ban đầu
Trong quá trình làm quen với đọc, trẻ chuyển từ mức độ đơn giản đến phức tạp:
Trẻ có thể “đọc” khi khám phá ra cách giải mã chữ viết qua việc học nhận biết các chữ cái và từ;
Nhận biết mối quan hệ giữa âm thanh và ký hiệu chữ viết.
Hiểu mối quan hệ giữa từ được tạo thành bởi một nhóm chữ cái và nghĩa của từ.
2.2 Dấu hiệu hành vi đọc ban đầu bao gồm :
Hiểu biết ban đầu về ký hiệu chữ viết, sách truyện, văn bản: Nhận biết được các ký hiệu chữ viết quen thuộc, nhận biết được ký hiệu chữ viết tên mình; có hành vi giống người đọc (cầm sách, lật trang sách, giả vờ đọc…).
Hiểu ngữ cảnh: Trẻ biết liên hệ kinh nghiệm của bản thân với các thông tin trong chuyện nghe đọc; trao đổi, hỏi về chuyện vừa được nghe đọc.
Hiểu biết ban đầu về đặc điểm và cấu trúc ngôn ngữ viết: Hiểu về ký hiệu chữ viết và các quy ước về chữ viết, vai trò và ý nghĩa của chữ viết khi đọc (cầm sách đúng, hiểu và biết sử dụng các ký hiệu chữ viết trong các hoạt động, nhận biết được các chữ cái, các từ quen thuộc trong văn bản, nhận biết được một số đặc điểm của sách truyện).
Phương thức hành động để “giải mã” hiểu nghĩa đúng của từ, nội dung văn bản:
(1) Thông tin hình ảnh: Sử dụng tranh, ảnh minh hoạ để đoán nghĩa của chữ (thông thường trong cùng một trang);
(2) Thông tin và định dạng: Biết được từ do nhớ được hình dạnh của từ.
(3) Thông tin ngữ cảnh: Đoán nghĩa của một từ dựa vào các từ đã biết được sử dụng cùng với từ chưa biết đó;
(4) Thông tin về ngữ âm: Biết âm điệu của các từ, các chữ cái;
(5) Thông tin về cấu trúc: Dựa vào phần giống nhau của từ, câu để đoán ý nghĩa.
2.3 Các kỹ năng và hiểu biết cần thiết để trẻ tiếp nhận với việc đọc:
Việc trẻ nhận biết một số từ đơn giản chỉ là một mặt của kỹ năng. Các ký hiệu của “đọc” ở một đứa trẻ 5 tuổi bao gồm nhiều vấn đề khác sau đây:
Các dấu hiệu thứ nhất:
- Vốn từ nói, khả năng nghe và nói;
- Sự tò mò;
- Sự phân biệt thính giác (khi nghe các âm để hiểu lời nói và học các âm chữ cái);
- Sự phân biệt các chữ cái bằng thị giác.
Các dấu hiệu thứ hai:
- Sự tập trung chú ý;
- Thực hiện các yêu cầu của người khác;
- Khả năng ghi nhớ (nội dung, ý nghĩa của chuyện);
- Hiểu nghĩa các từ liên quan đến việc đọc như mở/đóng, gập lại, lên/xuống, trên/dưới…;
- Viết dưới dạng vẽ các nét thẳng, nét tròn;
- Cầm và lật giở các trang sách.
3. Hoạt động phát triển hứng thú đọc viết của trẻ
-Cung cấp môi trường văn học giàu ngôn ngữ tại trường/lớp mầm non và gia đình: Cung cấp cho trẻ nhiều sách, truyện, tạp chí, báo; tặng trẻ sách nhân ngày sinh nhật, ngày lễ: Từ đó sách trở nên đặc biệt và lôi cuốn trẻ.
-Viết ra những điều trẻ kể về bức tranh, câu chuyện để trẻ có thể xem lại dưới dạng ngôn ngữ viết sau này, đóng lại thành quyển sách. Sau đó đọc lại cho trẻ nghe.
-Cùng trẻ đọc thư, bưu thiếp, thực đơn, nhãn hàng hoá, lịch, các thông báo.
-Khuyến khích trẻ viết, vẽ.
-Viết lời nhắn cho trẻ hoặc các ký hiệu trò chơi của trẻ.
-Giải thích những gì người lớn viết và cách sử dụng các văn bản viết đó.
-Chỉ các chữ viết trên các nhãn hàng hoá, đồ dùng, thiết bị.
-Khuyến khích trẻ sử dụng giấy và các dụng cụ viết, vẽ. Động viên trẻ khi trẻ cố gắng sao chép lại tên hay tô lại chữ theo trí nhớ.
-Giúp trẻ viết thư cho người thân, bạn bè (khi bị ốm), tác giả cuốn sách hay những người nổi tiếng.
-Viết những ghi chú nhỏ lên đồ dùng của trẻ, có thể là ghi chú bằng hình vẽ hoặc lời nhắn đơn giản, như “Chào Ngân, cô yêu cháu”
-Ghim một vài trang giấy thành tập để trẻ viết, vẽ.
-Viết mẫu cho trẻ; viết những dòng ghi nhớ cá nhân, cùng trẻ ghi lại công thức các món ăn, danh mục các đồ dùng.
-Khuyến khích trẻ tự đánh vần theo cách của trẻ để giúp trẻ nhận biết mối quan hệ giữa nói và viết. Sau đó mới sửa “lỗi phát âm” của trẻ.
-Không nên phê bình, nhắc nhở hoặc trêu chọc trẻ về lỗi đánh vần hoặc ngữ pháp. Điều quan trọng là trẻ cảm nhận được viết và đọc chữ cũng là một cách giao tiếp và rất thú vị.
-Đọc sách cho trẻ nghe hằng ngày; đọc các công thức, chỉ dẫn; đọc nhiều sách khác nhau của cùng một tác giả vẽ tranh minh họa; giải thích những từ trẻ chưa biết hoặc những từ đặc biệt; dừng đọc khi trẻ mất tập trung và khi trẻ muốn bày tỏ ý kiến.
-Cho trẻ làm quen với đọc viết bắt đầu từ những ý tưởng, kinh nghiệm gần gũi và có ý nghĩa đối với trẻ. Những kinh nghiệm của trẻ được biểu đạt trong một ngữ cảnh có nội dung. Trẻ sẽ được làm quen với chữ viết trong ngữ cảnh cụ thể đó và thông qua các loại hình hoạt động phong phú như nghe và đọc, kể chuyện, thơ, tham quan, dạo chơi, quan sát các kỹ hiệu chữ viết, bảng biểu trong phòng nhóm, vui chơi, giao tiếp và các hoạt động khác. Có kinh nghiệm với chữ viết một cách tự nhiên sẽ giúp ích cho việc đọc sách cho trẻ. Trẻ thực sự không thích học đọc nếu ngay từ đầu dạy trẻ đọc những bài viết xa lạ có nội dung xa lạ đối với trẻ, với các chữ hay từ câu rời rạc. Liên hệ những tình huống, nội dung xảy ra trong sách với kinh nghiệm sống thực tiễn của trẻ.
-Cho trẻ xem cách bạn đọc và coi đó là cách làm mẫu để trẻ bắt chước các hành vi của người đọc; vừa đọc vừa chỉ vào tranh minh họa, điều này giúp phát triển ngôn ngữ qua thị giác, ý nghĩa của tranh vẽ; cảm nhận những chi tiết hài hước; đọc trôi chảy, diễn cảm, biểu hiện rõ niềm vui thích được đọc để thu hút va kích thích trí tưởng tượng của trẻ, dẫn đến hứng thú với vệc đọc của trẻ.
-Để trẻ chủ động đọc, đánh dấu dòng, chỉ rõ các nhân vật, hoặc sử dụng các giọng điệu khác nhau cho các nhân vật, tình huống chuyện;
-Nên tìm những cuốn sách hấp dẫn, phù hợp với sở thích đặc điểm lứa tuổi của trẻ.